Nông dân xã An Quảng Hữu: PHÁT TRIỂN CÂY BẮP, ĐỂ TĂNG ĐÀN BÒ
Xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú có một phần diện tích đất giồng cát, thuận lợi cho nông dân phát triển đàn bò. Mặt khác, từ khi thực hiện Quyết định số 2368/QĐ-UBND ngày 13/12/2013 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, các ngành chuyên môn của huyện, xã đã định hướng giúp nông dân phát triển 02 cây trồng chủ lực: Ớt và bắp. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến cây bắp, nhất là đối với vùng đất thịt, vùng chủ động nguồn nước tưới. Nhờ phát triển cây bắp, nên giúp nông dân phát triển đàn bò, từ nguồn phế phẩm của bắp làm thức ăn cho đàn bò.

Theo ông Thạch Chonl, Phó Chủ tịch UBND xã An Quảng Hữu: Mặc dù An Quảng Hữu còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, song trong thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã đã lãnh, chỉ đạo nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng, phù hợp, nên đời sống nông dân không ngừng thay đổi. Theo điều tra vào cuối năm 2019, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 45 triệu đồng/năm, so với năm 2016 là 33 triệu đồng. Đó là nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, các mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng kịp thời, tập trung triển khai thực hiện các chương trình, dự án, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo theo các quy định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình 135 của Chính phủ... Đồng thời, tranh thủ các nguồn hỗ trợ của tỉnh, huyện và vận động các tổ chức mạnh thường quân nhằm tạo điều kiện, giúp đỡ hộ nghèo có nhà ở ổn định, có vốn để sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập thoát nghèo.

 Qua tìm hiểu của chúng tôi, những năm qua, nông dân xã An Quảng Hữu đã được các cấp, các ngành hỗ trợ bằng nhiều hình thức, trong đó tập trung chuyển đổi cây trồng theo chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đã tạo hiệu quả rõ nét. Với tỷ lệ đồng bào Khmer chiếm 47%, An Quảng Hữu là xã được hưởng lợi từ Chương trình 135 của Chính phủ (giai đoạn 2015-2020), tỷ lệ hộ nghèo trong những năm qua còn cao, nhưng nhờ tập trung chuyển đổi cây trồng hiệu quả, nên tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững. Kết quả về hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã An Quảng Hữu cuối năm 2019 có 182/3.283 hộ nghèo, chiếm 5,54%; hộ cận nghèo là 290/3280, chiếm 9,83%.

 Từ thế mạnh của xã là phát triển cây bắp, nhân rộng đàn bò, nên nông dân lợi nhuận từ cây bắp từ 60-80 triệu đồng/ha/năm. Thực hiện chuyển đổi cây trồng, trong gần 07 năm qua, nông dân xã An Quảng Hữu đã chuyển hơn 200ha đất trồng lúa, trồng mía kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Trong đó, chuyển đổi từ lúa, mía kém hiệu quả sang trồng bắp gần 100ha; sang trồng ớt (ớt chỉ thiên và ớt sừng vàng) gần 30ha; còn lại được nông dân chuyển sang trồng các loại cây màu khác… Chính nhờ diện tích màu phát triển mạnh, trong đó có cây bắp, nên tác động tích cực đến phát triển đàn bò của xã hiện có hơn 3.000 con. Nhìn chung, chuyển đổi cây trồng trên địa bàn xã An Quảng Hữu đã mang lại hiệu quả kinh tế khả quan, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững của hội viên nông dân trong xã.

Minh chứng cho vấn đề này, chúng tôi gặp và trao đổi với hội viên nông dân Lê Văn Ga, ngụ ấp Dầu Đôi, ông đang dự trữ một lượng lớn thân cây bắp để làm thức ăn cho bò, tiếp chúng tôi, ông Ga chia sẻ: Gia đình hiện có 07 con bò (05 con bò nái và 02 con nghé), năm 2019, Tôi định bán bớt, do không đủ thức ăn, nhưng thấy nông dân trong xã trồng bắp rất nhiều, nên duy trì đàn. Hiện nay, trên địa bàn xã, thân cây bắp nông dân cho là chủ yếu. Người nuôi bò như tôi chỉ ra công, đốn rồi chở về, một số thì cho bò ăn liền, số còn lại phơi khô, dự trữ. Tuy nhiên, thân bắp cho bò ăn, cũng chỉ mang tính phụ, cỏ, rơm vẫn là chính…

Trường Hiếu
Giới thiệu doanh nghiệp
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 10
  • Hôm nay: 17
  • Trong tuần: 168
  • Tất cả: 352850