PHÁT TRIỂN KINH TẾ THÔNG QUA MÔ HÌNH DÂN VẬN KHÉO

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành được triển khai sâu rộng ở các lĩnh vực, các mô hình “Dân vận khéo” đã tạo sức lan tỏa, góp phần tích cực trong thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

anh tin bai

Vườn bưởi của nông dân Nguyễn Hồng Phẩm (phải).

Đồng chí Đinh Duy Thiện, Phó Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào thi đua Dân vận khéo xã Nguyệt Hóa cho biết: phong trào thi đua Dân vận khéo trên địa bàn xã có bước đổi mới, nhiều gương điển hình tiêu biểu có sức lan tỏa, tác động sâu sắc đến đời sống Nhân dân. Năm 2023, toàn xã có 31 mô hình dân vận khéo, trong đó mô hình dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới có chuyển biến tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện cuộc sống người dân như mô hình vận động người dân hiến đất làm đường nông thôn, trồng cây xanh xây dựng tuyến đường hoa tạo cảnh quan môi trường, mô hình tổ hùn vốn xoay vòng của nông dân hỗ trợ nhau mua bảo hiểm y tế, mô hình tổ hợp tác phát triển kinh tế,… Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể được phân công phụ trách các mô hình thường xuyên sâu sát cơ sở, gần dân, nắm rõ tâm tư nguyện vọng của người dân để kịp thời hỗ trợ, tư vấn và đề xuất các giải pháp giải quyết những khó khăn với cấp ủy, chính quyền địa phương, từ đó tạo sự thống nhất đồng thuận từ nhận thức đến hành động. Ngoài ra, xã còn phân công cán bộ phụ trách cơ sở hướng dẫn người dân xây dựng mô hình phù hợp với tình hình. Nhờ đó, người dân chủ động hơn trong tìm hiểu thông tin qua các mô hình để vận dụng phát triển kinh tế hiệu quả hơn.

Để xây dựng mô hình điển hình phát triển kinh tế trong dân vận khéo, xã xác định cây chủ lực và vùng trồng điểm. Theo đó, cây bưởi da xanh hiện nay được xã đưa vào mô hình dân vận khéo. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, người dân trong xã từng bước chuyển đổi vườn tạp, cây trồng kém hiệu quả sang phát triển bưởi da xanh và từng bước thực hiện trồng xen canh nhằm tận dụng tối đa diện tích cây trồng để nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Hiện toàn xã có gần 630ha cây lâu năm, trong đó cây ăn trái gần 180ha, diện tích còn lại cây dừa.

Tiêu biểu như mô hình trồng bưởi da xanh của nông dân Lương Phong Nhã, sinh năm 1951, ấp Bến Có, xã Nguyệt Hóa đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Ông Nhã cho biết: Trước đây, ông trồng xen canh nhiều loại cây ăn trái khác nhau như cam, xoài,… nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi chuyển sang trồng bưởi da xanh, kinh tế gia đình ngày càng ổn định, có điều kiện nuôi 04 cháu nội vào đại học. Hơn 10 năm trước ông chuyển đổi trồng vài chục cây bưởi da xanh, sau thời gian trồng nhận thấy bưởi phát triển và say trái nên ông mở rộng diện tích trồng đến nay 1,2ha, đặc biệt giá bưởi cao gấp đôi, ba lần so với cây ăn trái khác. Vườn bưởi của ông chủ yếu sử dụng phân hữu cơ nên giá bán ổn định theo thị trường. Hiện nay, ông trồng mới bưởi da xanh trên diện tích trên để thay thế những cây già cỏi, cho trái thấp. Diện tích cho trái hiện nay khoảng 0,6 - 0,7ha, sản lượng thu hoạch đạt từ 01 - 1,2 tấn/tháng, giá bán 25.000 - 30.000 đồng/kg.

Cùng ấp có nông dân Nguyễn Hồng Phẩm, sinh năm 1973, ấp Trà Đét, xã Nguyệt Hóa cho biết thêm: Bưởi da xanh chịu nước nhưng cũng sợ nước do đó khi trồng bưởi, ông đã lên liếp, đắp mô cao, bên cạnh đó, phải đào mương để vào mùa mưa nước có thể rút nhanh, vào mùa nắng bưởi hút nước từ dưới mương để nuôi cây giúp cây phát triển. Với cách làm này, vườn bưởi của ông phát triển và đạt năng suất cao trong 08 năm nay, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Với 01 ha bưởi da xanh chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ, sản lượng đạt từ 35 - 40 tấn/năm, lợi nhuận đạt 500 - 600 triệu đồng/năm. Ngoài ra, 02 năm gần đây, ông chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả trồng thêm 01ha bưởi. So với cây lúa, lợi nhuận từ trồng bưởi cao gấp 10 lần.

Mô hình trồng bưởi da xanh thành công trên địa bàn xã hiện đã và đang góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, mở ra hướng đi bền vững trong quá trình đa dạng hóa cây trồng, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ngoài bưởi da xanh, Nguyệt Hóa còn xây dựng các mô hình dân vận khéo dựa trên lợi thế của địa phương để phát triển và nhân rộng như mô hình nuôi ếch trong bể bạt, trồng vú sữa mica, trồng dưa lưới trong nhà kính, trồng chanh không hạt,… Các mô hình này được quan tâm hỗ trợ khoa học - kỹ thuật, nguồn vốn, tư vấn về thị trường, hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, xã đã xây dựng 06 mô hình dân vận khéo trong phát triển kinh tế.

Có thể thấy phong trào thi đua dân vận khéo đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Phát huy kết quả đạt được, xã tiếp tục thực hiện hiệu quả các mô hình dận vận khéo và nhân rộng các mô hình điển hình dân vận khéo phù hợp trên lĩnh vực, đặc điểm tình hình của địa phương.

 Bài, ảnh: Ngọc Hân

Giới thiệu doanh nghiệp
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 11
  • Trong tuần: 394
  • Tất cả: 352665