Nông dân Trà Vinh: TRỒNG THANH LONG THỜI HẠN, MẶN
Trong điều kiện BĐKH gay gắt như hiện nay, biểu hiện rõ nhất là khi hạn kéo dài, mặn xâm nhập sâu lên thượng nguồn Sông Tiền và Sông Hậu. Đối với những loại cây trồng khác, hiện nay nông dân trong tỉnh đang đối mặt với những khó khăn, thách thức do hạn, mặn xâm nhập, nhưng riêng đối với cây thanh long có phần “nhẹ gánh” hơn. Nguyên nhân chính do cây thanh long có sức chịu mặn tốt hơn so với một số loại cây trồng khác. Mặt khác, trên 80% hộ trồng thanh long trên địa bàn tỉnh chủ động nguồn nước, do có ao, hồ dự trữ nước ngọt để tưới. Đối với hộ trồng không có ao, hồ dự trữ, thì sử dụng nước bên ngoài ao, ở độ mặn từ 02 - 03‰, thanh long vẫn chịu đựng tốt. Mặt khác, thanh long có nhu cầu nước ít, nên việc tưới có thể áp dụng tưới một kỳ nước mặn, kỳ nước ngọt dữ trữ, thời gian xa ra, vẫn không làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của thanh long.

Ông Nguyễn Văn Nối dùng rơm đậy thanh long hạn chế nắng.

Theo ngành chuyên môn, toàn tỉnh hiện có khoảng 500ha thanh long, tập trung nhiều nhất ở huyện Càng Long. Hiện nay, trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, việc chọn cây trồng của mỗi nông dân khác nhau. Nhiều nông dân đã trồng thanh long ruột đỏ, tuy giá có thời điểm giảm mạnh, song đến nay, thanh long ruột đỏ trên đất Trà Vinh được xem là thành công.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ nhiệm Hợp tác xã thanh long ruột đỏ Đức Mỹ (xã Đức Mỹ, huyện Càng Long) chia sẻ: trong hoạt động của hợp tác xã tuy gặp nhiều khó khăn về tổ chức, bộ máy, nguồn vốn… nhưng, vấn đề thành công lớn nhất của hợp tác xã là gần 100 hộ, với gần 50ha thanh long của thành viên đều cho hiệu quả kinh tế cao. Trước đây, kinh tế gia đình của nhiều thành viên khi mới lập vườn thanh long rất khó khăn, nhưng qua gần 05 năm, nhờ thanh long, nhiều thành viên trở nên khá, giàu.

Tại ấp Rạch Dừa, xã Đại Phước, huyện Càng Long, ông Nguyễn Văn Nối, người có nhiều năm trồng thanh long ruột đỏ chia sẻ: gia đình tôi (cùng 02 người con) có gần 01ha thanh long. Khi thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, ông phá lá dừa nước để trồng thanh long. Hiện nay, trong điều kiện BĐKH, tưới nước tiết kiệm, mặc dù thanh long rất thích nắng, nhưng do năm nay nắng quá nhiều, nhiệt độ cao, nên ông phải mua rơm để đậy cây thanh long, nhằm giảm lượng nắng chiếu thẳng xuống ngọn, vừa mất sức cây, vừa phải đáp ứng nhu cầu lượng nước nhiều hơn.

Trong những ngày hạn, mặn hiện nay, chúng tôi có dịp đến thăm vùng thanh long ở cánh đồng xã Phương Thạnh, huyện Càng Long. Tại ấp Đầu Giồng, ông Nguyễn Thiên Bông, người có 0,4ha thanh long cho biết: trước đây, nơi đây là vùng đất lúa, sau khi Càng Long tập trung làm thủy lợi, ở đây có con kênh, nên nguồn nước ổn định. Trong vòng 05 năm qua, diện tích thanh long ở vùng này phát triển gần 20ha. Giải thích về vấn đề diện tích thanh long tăng nhanh, ông Nguyễn Thiên Bông khẳng định: khu vực này được ngành điện lực quan tâm, hạ bình biến áp, nguồn nước ở đây không thiếu. Đặc biệt, từ đất ruộng sản xuất lúa cho năng suất thấp, nhưng khi chuyển sang trồng thành long thì hiệu quả kinh tế cao.

Trong điều kiện BĐKH như hiện nay, trồng thanh long trên địa bàn tỉnh vấn đề khó nhất là nước tưới. Hiện nay tuy có đủ nguồn nước, nhưng mùa nắng nước nhiễm mặn khiến thanh long không tươi tốt, nhưng vẫn “trụ” được. Để khắc phục tình trạng này, bằng kinh nghiệm của một số nông dân, từ sự kiện BĐKH gay gắt của năm 2016 nông dân đã chủ động phòng ngừa, đã mang lại hiệu quả.  

 Trồng thanh long trong thời hạn, mặn, BĐKH dù đạt được thành công ban đầu, nhưng ngành chuyên môn cũng luôn khuyến cáo nông dân: chỉ trồng ở những nơi thích hợp, như nguồn điện đảm bảo, đáp ứng nhu cầu nước tưới. Đặc biệt, nhu cầu của thị trường quyết định đầu ra của sản phẩm trái - nông dân cần quan tâm.

Ở ấp Rạch Dừa, xã Đại Phước, huyện Càng Long nhiều gia đình áp dụng phương pháp dùng rơm che nắng, giảm nhu cầu nước cho thanh long

 Trường Hiếu

Giới thiệu doanh nghiệp
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 26
  • Trong tuần: 156
  • Tất cả: 352833