Nông dân Thạch Rực: KHÁ LÊN NHỜ ÁP DỤNG MÔ HÌNH “RUỘNG-CHUỒNG”
Chuyện thoát nghèo, vươn lên hộ khá, rồi làm giàu của vợ chồng nông dân Thạch Rực và vợ là chị Thạch Thị Trang, ngụ ấp Trà Nóc, xã Song Lộc, huyện Châu Thành là một trong những tấm gương tiêu biểu vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi từ mô hình “ruộng-chuồng”.

Chị Thạch Thị Trang đang cho bò ăn

Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, nên khi 02 vợ chồng ra riêng, lập nghiệp luôn thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn. Những ngày mới xây dựng gia đình, 02 vợ chồng lam lũ với mấy công ruộng, sản xuất lúa với năng suất bấp bênh, bình quân chỉ 04-05 tấn/ha/vụ. Nguyên nhân chính do vùng đất ở đây gò cao, hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh, nên sản xuất lúa không chủ động nước. Vì thế, vợ chồng anh luôn tìm cách để đưa kinh tế gia đình đi lên, tạo điều kiện cho các con ăn học. Với suy nghĩ nuôi bò sinh sản, tích lũy dần nguồn vốn, sẽ cải thiện cuộc sống, khoảng năm 2000, với số tiền tích cóp của gia đình qua các năm, vợ chồng anh đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 01 con bò cái về nuôi. Trong thời gian đầu, vợ chồng anh Rực và chị Trang gặp không ít những khó khăn, nhưng với ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo, tích cực tham gia các số lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi và chăm sóc bò, đồng thời tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những hộ nuôi trước đó ở xóm.

  Nhờ kiên trì, chịu khó ham học hỏi và áp dụng đúng kỹ thuật, đàn bò của gia đình vợ chồng anh Rực và chị Trang đã phát triển tốt, ngày càng hiệu quả, từ 01 con ban đầu, nay đã có tổng đàn 07 con (không tính số bò mà gia đình chị đã bán bớt hàng năm), tổng giá trị gần 200 triệu đồng. Sau nhiều năm nuôi, có ít vốn dành dụm từ bán bò nghé, mua thêm ruộng, hiện nay, gia đình có 1,5ha. Mặt khác, nhờ nhà nước đầu tư, thực hiện hoàn thiện hệ thống thủy lợi, năng suất lúa tăng dần, những năm qua, năng suất lúa ở vùng này bình quân từ 06-6,5 tấn/ha/vụ. Bên cạnh đó, để duy trì đàn bò, gia đình đã tận dụng bờ ruộng và dành một phần diện tích để trồng cỏ nuôi bò. Với mô hình phát triển kinh tế của gia đình “ruộng-chuồng”, cùng với áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, đã giúp gia đình vượt qua khó khăn, cải thiện cuộc sống, bình quân mỗi năm mô hình thu về trên 200 triệu đồng sau khi trừ các chi phí.

Đến Trà Nóc, hỏi về vợ chồng anh Rực và chị Trang ai cũng biết, bởi cả chồng lẫn vợ không chỉ là làm kinh tế giỏi, mà còn thường xuyên chia sẻ, giúp đỡ mọi người, để cùng vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đến nay, nhiều hộ trong ấp đã từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Khi hỏi về hướng phát triển kinh tế trong thời gian tới, anh tâm sự: gia đình tôi sẽ duy trì đàn bò, bởi chính đàn bò đã giúp gia đình tôi vượt qua những khó khăn. Tuy có cực, nhưng nuôi bò ít rủi ro, nguồn rơm từ sản xuất lúa rất dồi dào...

Nhờ cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo, ham học hỏi, với mô hình “ruộng-chuồng” đã giúp gia đình phát triển kinh tế. Đó cũng chính là nhờ phát huy tiềm năng lợi thế và quyết tâm, chịu khó tự tìm hướng đi thích hợp trên chính mảnh ruộng của mình, để vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng, tham gia tích cực các phong trào ở địa phương, nhất là phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi./.

                                                          Trường Nguyên

 

Giới thiệu doanh nghiệp
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 25
  • Trong tuần: 155
  • Tất cả: 352832