Nông dân Nguyễn Văn Đực: THU NHẬP TỪ DỪA XIÊM DÂY VÀ GIA TRẠI HEO, BÌNH QUÂN 450 TRIỆU ĐỒNG/NĂM
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG). Điển hình như hội viên nông dân Nguyễn Văn Đực, sinh 1960, ngụ Khóm 10, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long – ông cũng là thương binh hạng 4/4, và đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp nhiều năm liền, với thế mạnh: Trồng dừa xiêm dây ươm bán giống và nuôi heo theo hình thức gia trại.

Niềm hạnh phúc của nông dân Nguyễn Văn Đực

bên những cây dừa xiêm dây trĩu quả.

Nhớ lại hoàn cảnh, điều kiện của bản thân trước đây, ông Nguyễn Văn Đực vẫn không nghĩ rằng mình có được cuộc sống khá giả như ngày hôm nay. Ông cho biết: Ông tham gia cách mạng (du kích xã Tân An, huyện Càng Long) năm 1973, khi mới 13 tuổi. Đến năm 1974, ông cùng đồng đội chống càn tại địa phương và bị thương. Sau khi điều trị, ông tiếp tục tham gia du kích, đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông nghỉ để cùng gia đình phát triển kinh tế.

Năm 1990, ông lập gia đình, gia đình bên vợ tuy đất vườn nhiều, nhưng không được cải tạo, phần lớn là cây tạp. Khi ở rể, gia đình bên vợ cho vợ chồng ông 1,2 ha đất vườn tạp, cộng với nguồn tiền tích lũy của bên cha mẹ ruột, ông mua thêm 0,5 ha. Đến nay, ông sở hữu 1,7 ha vườn đặc sản với cây trồng dừa xiêm dây.

Kể về vườn đặc sản, ông Nguyễn Văn Đực chia sẻ: Năm 2006, ông đi thăm người bạn chiến đấu ở tỉnh Bến Tre, sau khi nghe kể về kinh tế còn khó khăn, mặc dù vườn nhiều, nhưng không biết trồng cây gì cho hiệu quả, người bạn chiến đấu khuyên ông nên trồng dừa xiêm dây, sẽ cho kinh tế rất cao. Nghe lời bạn, đồng thời, khi đó tại mãnh vườn bên vợ cho đã trồng vài cây dừa xiêm dây để uống nước, rất ngon. Từ đó, ông tìm hiểu thêm về kiến thức trồng giống dừa này, ông sang tỉnh Bến Tre mua dừa giống, bắt tay vào cải tạo vườn tạp, trước mắt đầu tư vốn trồng 01 ha, với số lượng gần 400 gốc (dừa xiêm dây trồng mật độ bình quân trên 30 gốc/1.000 m2). Lúc đó, họ hàng, người thân trong xóm ai cũng khuyên ông: Tại sao trồng dừa xiêm dây, trái nhỏ, rồi bán cho ai, sao không trồng dừa ta, trái to; hay trồng cam, bưởi….?.

Thật nãn lòng, 03 năm sau dừa xiêm dây của ông có trái chiến, thương lái mua, nhưng khi để khô, cứ 03 chục dừa (12 trái/1chục) xiêm dây thì được thương lái kể bằng 01 chục dừa ta. Thôi kệ, Ông vẫn bán, tuy bị thiệt thòi về số lượng, nhưng bù lại nhờ trái sai.

Khoảng năm 2010, khi phong trào du lịch trên cả nước nói chung, các tỉnh miền Tây Nam bộ nói riêng phát triển mạnh. Các nhà tổ chức du lịch, các cửa hàng, điểm du lịch sinh thái của tỉnh Bến Tre phát triển mạnh, họ tìm mua dừa xiêm dây, đặc sản của tỉnh Bến Tre để phục vụ du khách. Toàn bộ diện tích dừa của ông được nhiều thương lái tìm đến, bao tiêu cả dừa tươi (uống nước) và dừa khô (làm giống). Lúc đầu bán giá ngang với giá dừa ta, dần dần về sau, cao hơn đôi chút. Có điều không đủ bán, đáng mừng là loại dừa xiêm dây trái rất sai, có những buồng đạt 100 trái, hơn 08 chục dừa, mỗi chục giá 60.000 đồng, chỉ cần 01 buồng dừa, ông có thu nhập gần 500.000 đồng.

Thấy hiệu quả kinh tế từ dừa cao, ông tiếp tục trồng thêm dừa xiêm dây trên diện tích còn lại (0,7 ha). Hiện nay, gia đình ông Nguyễn Văn Đực có trên 600 gốc dừa xiêm dây/1,7 ha. Trong đó, trên 430 gốc đang cho trái. Thương lái của tỉnh Bến Tre đã ký hợp đồng, bao tiêu giá dừa tươi 60.000 đồng/chục, dừa khô làm giống 70.000 đồng/chục, ông bán 02 loại, bình quân lợi nhuận 30 - 34 triệu đồng/tháng.

Song song với thế mạnh là dừa xiêm dây, ông có “tay” nuôi heo thịt và heo nái sinh sản. Vợ chồng ông bắt đầu nuôi heo từ năm 1994, lúc đầu nuôi ít, dần nuôi nhiều. Ông Đực cho biết: Trước đây nuôi heo lời lắm, mỗi năm lời từ 250 - 300 triệu đồng. Tuy nhiên, 02 năm qua phải giảm đàn, vì rủi ro bệnh, giá thiếu ổn định. Tuy nhiên, gần đây, ông phục hồi đàn heo, với số lượng từ 55-100 con, và từ 05-10 con heo nái. Hiện nay, bình quân ông xuất chuồng từ 02-03 đợt/năm. Vừa qua, ông bán gần 10 tấn heo hơi, đúng thời điểm giá tăng, hơn 07 triệu đồng/tạ (100kg), ông lời hơn 100 triệu đồng.  

Để nuôi heo đạt hiệu quả cao, ông Nguyễn Văn Đực chịu khó tham dự đầy đủ các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật chăn nuôi và nghiên cứu từ báo, đài, tham quan các mô hình nuôi heo theo hướng gia trại, tiên tiến, nhất là các lớp tập huấn, hội thảo do Hội Nông dân tổ chức. Ông Đực chia sẻ: Gia đình tôi nuôi heo không bao giờ rủi ro do bệnh, chỉ giá heo hơi vừa qua biến động bất thường, làm lợi nhuận ít.  

 Ông Lê Văn Phước, Bí thư Chi bộ Khóm 10, thị trấn Càng Long nhận xét: Dù tuổi đã ngoài 60, kinh tế gia đình khá giả, mỗi năm tổng lợi nhuận trên 450 triệu đồng, nhưng ông Nguyễn Văn Đực vẫn còn có tâm huyết sẽ mở rộng mô hình nuôi heo theo hướng an toàn sinh học. Ông đã duy trì, phát triển vườn dừa xiêm. Nhờ học tập mô hình dừa xiêm của ông Nguyễn Văn Đực, hiện nay, nông dân trong Khóm 10 đã lập mới và chuyển đổi vườn kém hiệu quả sang dừa xiêm gần 20 ha, góp phần giúp cho Khóm 10 không còn hộ nghèo.

Ông Nguyễn Văn Đực kiểm tra khả năng phát triển của dừa xiêm dây được chọn làm giống.

TRƯỜNG HIẾU

 

Giới thiệu doanh nghiệp
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 6
  • Trong tuần: 157
  • Tất cả: 352839