KHÁ LÊN NHỜ “NUÔI DÊ SINH SẢN”
Với đam mê và nhiệt huyết của người nông dân khát khao làm giàu từ mãnh vườn quê nhà, anh Phạm Văn Nghĩa là hội viên nông dân ấp số 6, xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh có mô hình “nuôi dê sinh sản” và gặt hái được thành công tại xã nhà.

Anh Phạm Văn Nghĩa đang chăm sóc đàn dê

    Anh Nghĩa chia sẽ: Trước đây tôi từng trồng lúa, nuôi heo, gà, vịt... nhưng kinh tế đem lại không cao. Anh quyết tâm tìm mô hình chăn nuôi hiệu quả kinh tế hơn. Sau khi đi tham quan, học hỏi nhiều mô hình nuôi dê ở Cần thơ, Bến Tre... Anh quyết định chọn con dê để chăn nuôi vì nuôi dê vốn ít, giá bán cũng khá cao, có thể tận dụng lúc nông nhàn để chăm sóc dê, tận dụng thức ăn sẳn có trong vườn và đặc biệt dê mang thai thời gian ngắn, nhanh xuất chuồng, thu hồi vốn nhanh.
    Từ mười con dê giống ban đầu, anh Nghĩa nhân giống thành công và lập nên trang trại dê. Năm 2017, anh Nghĩa bắt đầu làm chuồng dê. Khi mới bắt tay vào việc làm chuồng khá vất vả, vì anh phải tự thiết kế đảm bảo chuồng hợp với thời tiết, thổ nhưỡng vườn nhà, để dê phát triển tốt, chuồng dê cần thông thoáng, vì thế chuồng dê được xây theo kiểu “chuồng sàn”, sườn chuồng được đổ bằng pê tông, cách mặt đất 1 mét, mặt sàn chuồng làm bằng ván, có khe hở để phân dê rơi xuống tấm bạc, trải dưới mặt đất. Từ mặt sàn đến mái chuồng khoảng 3 mét, mái được lợp bằng tol hoặc bằng lá đều được. Ô chứa dê có chiều dài 1,5 mét, chiều rộng 1 mét, chiều cao 1mét, chỉ chứa 01 con dê cái hoặc 02 con dê con/ô. Hiện anh đang sở hữu chuồng dê rộng trên 1000 m2.
    Theo anh Nghĩa, nuôi dê nhốt chuồng không quá vất vả, do thức ăn của dê dễ tìm: dê cái ăn cỏ, cây chuối, rau muống…; dê con ăn cây cỏ và một ít thức ăn. Mỗi ngày cho dê ăn 3 lần: buổi sáng, trưa, chiều. Tuy nhiên, ngoài việc am hiểu đặc tính của đàn dê, thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật cũng rất quan trọng, từ khâu làm chuồng đến việc theo dõi, chăm sóc đàn dê. Chuồng trại cần đảm bảo vệ sinh, định kỳ tẩy giun sán và tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm cho dê.
    Sau 2 năm phấn đấu, anh Nghĩa có 25 dê nái đang trong giai đoạn sinh sản. Năm 2018, chuồng dê xuất bán 30 con dê thịt trừ chi phí thu lãi được 40 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, đầu năm 2019, chuồng dê của anh Nghĩa tiếp tục bán 60 con dê thịt, thu lãi 80 triệu đồng. Giống dê chủ yếu là dê Bách Thảo, Boer. Anh Nghĩa cho biết thêm “Thời gian dê mang thai và đẻ con là 145-155 ngày, nuôi 2 -3 tháng tuổi, cân nặng 16 – 25 kg/con thì có thể xuất chuồng dê thịt. Giá bán mỗi kg dê thịt dao động từ 90.000 – 100.000 đồng, dê sinh sản 130.000 – 140.000 đồng. Phân dê sau khi phơi khô thì được bán với giá 20.000 đồng/bao, bán cho nông dân trong vùng trồng rau, bón cây ăn trái. Không sợ dê không có đầu ra vì thương lái từ Gò công, Bến tre vào mua tận chuồng”.
    Có thể nói, nghề nuôi dê đem lại nguồn kinh tế ổn định cho gia đình anh Nghĩa, không những giúp gia đình anh trang trải cuộc sống và từng bước vươn lên khá, giàu. Khi anh tâm sự về nghề nuôi dê, tôi cảm thấy một niềm nhiệt huyết trong anh, anh muốn chia sẻ thành công với mọi người và sẳn sàng truyền đạt kinh nghiệm có được cho những ai cùng đam mê như anh./.

                                                                                                  Đặng Văn Châu
                                                                                            CT - HND xã Mỹ Cẩm
Giới thiệu doanh nghiệp
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online:
  • Hôm nay:
  • Trong tuần: 151
  • Tất cả: 352833