Hội Nông dân thị trấn Cầu Quan: MÔ HÌNH NUÔI BÒ SINH SẢN ĐẠT HIỆU QUẢ TỪ NGUỒN VỐN QUỸ HỖ TRỢ NÔNG DÂN ĐẦU TƯ
Định hướng phát triển mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương, chuyển đổi vật nuôi có hiệu quả, các mô hình tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản trên địa bàn thị trấn Cầu Quan, huyện Tiểu Cần đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, giúp hội viên nông dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

ảnh minh họa

Trên địa bàn thị trấn Cầu Quan hiện nay có 3 khóm nuôi bò sinh sản từ nguồn vốn vay Quỹ HTND của tỉnh. Đó là Khóm IV, Khóm V, Khóm VI, trong đó phải kể đến hộ chăn nuôi bò của ông Nguyễn Văn Phúc hội viên nông dân khóm 6, thị trấn Cầu Quan.

          Mô hình chăn nuôi bò sinh sản của ông Phúc được xây dựng chuồng trại từ tháng 10/2021, do Hội Nông dân thị trấn Cầu Quan hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng chuồng trại. Hộ có 05 con bò, đáp ứng đủ điều kiện và được vay 25 triệu đồng/hộ để mua bò giống.

Ông Phúc cho biết: “Lúc đầu gia đình có 2 con bò giống, khi vay được số tiền ông mở rộng thêm chuồng trại và mua thêm 2 con bò nghé để gầy đàn đến nay đàn bò ông hiện có 05. Ông vừa bán cho thương lái 1 con bò thịt được 18 triệu đồng. Ngoài thu nhập từ bò, mỗi tháng ông còn thu nhập thêm từ nguồn phân bò phơi khô khoảng 700 ngàn đồng/tháng, ông dành phần tiền này để đóng phí vay quỹ hỗ trợ nông dân. Ông vui vẽ tiếp lời “Tôi sẽ tiếp tục nuôi lớn bò và vỗ béo đàn bò này để tiếp tục gầy đàn”…

          Nhằm giúp các thành viên Tổ hợp tác nuôi bò có thêm kiến thức cần thiết trong việc chăm sóc và nuôi bò sinh sản, Hội Nông dân thị trấn Cầu Quan đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn cách phòng trị bệnh cho bò và áp dụng thực tế đến nay đàn bò nuôi phát triển rất tốt. Ông Phúc thông tin thêm “Nuôi bò sinh sản không phải đơn giản như nuôi bò thịt mà mình phải biết cách chăm sóc theo từng giai đoạn, đảm bảo bò luôn đủ sức khỏe để có thể sinh sản tốt. Muốn vậy, người nuôi phải dành thời gian chăm sóc, kiểm tra chuồng trại, nguồn thức ăn, nước uống phải đảm bảo chất lượng thì khi sinh ra bê con mới khỏe mạnh, mau lớn”. Để đạt được hiệu quả và đảm bảo đủ nguồn thức ăn cho bò ông đã trồng cỏ xen dừa, cỏ bờ, mua rơm cho bò...hàng ngày ông dành thời gian chăm sóc đàn bò của mình sáng ông vệ sinh chuồng trại, cho chúng ăn rơm, uống nước, sau đó ông đi cắt cỏ để mang về cho chúng ăn. Với số lượng bò nuôi như vậy cho thấy hiệu quả kinh tế của mô hình cao hơn hẳn so với phương thức chăn nuôi truyền thống, chăn nuôi cá thể. Đàn bò phát triển nhanh, không xảy ra dịch bệnh, tiết kiệm được công lao động, nâng cao chất lượng trong chăn nuôi. Ngoài mang lại hiệu quả về kinh tế, còn giúp các hội viên trong Tổ học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về kỹ thuật chăn nuôi, giúp tạo việc làm ổn định và tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình.

          Có thể nói hiệu quả của nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đã và đang trở thành điểm tựa vững chắc giúp hội viên nông dân trên địa bàn đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế địa phương./.

Trần Thúy Hằng – PCT HND thị trấn Cầu Quan

Giới thiệu doanh nghiệp
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online:
  • Hôm nay:
  • Trong tuần: 151
  • Tất cả: 352833