Hội Nông dân huyện Cầu Kè: HỘI VIÊN NÔNG DÂN THỰC HIỆN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG SẢN XUẤT, CHĂN NUÔI
Với vai trò nồng cốt trong sản xuất, hội viên nông dân chính là “cầu nối” để giúp mỗi hộ gia đình trong sản xuất, chăn nuôi thực hiện tốt tiêu chí số 17 về Môi trường và an toàn thực phẩm. Đặc biệt là thông qua Hội Nông dân huyện Cầu Kè, những năm qua, các cấp Hội đã vận động, tuyên truyền và đăng ký đến từng Chi, Tổ Hội về cam kết bảo vệ môi trường như xử lý, thu gom các chất thải nông nghiệp, chăn nuôi đúng quy trình; tránh làm ảnh hưởng đến môi trường công cộng và sức khỏe của người dân xung quanh...

Nông dân Tạ Văn Lâm thu gom vỏ chai, bao bì qua sử dụng

vào bể chứa tập trung để xử lý theo quy định

Ghi nhận thực tế trên địa bàn huyện Cầu Kè, do phần lớn trong sản xuất nông nghiệp (trồng lúa và cây ăn trái) ở huyện tập trung khá lớn với tổng diện tích vườn trên 9.000ha và hơn 9.500ha lúa. Qua đó, nhiều nông dân thường sử dụng các loại bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, cùng với đó là các chất thải trong chăn nuôi (bò, heo…) đây là những vấn đề có tác động lớn dẫn đến ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe và vẻ mỹ quan nông thôn. Trao đổi với chúng tôi, bà Diêu Thị Bích Liên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cầu Kè cho biết: Hàng tháng, hàng quí, Hội thường xuyên triển khai lồng ghép trong các cuộc họp ở các Chi, Tổ Hội để vận động hội viên và nông dân hiểu, nắm được các quy định trong quản lý chăn nuôi; hỗ trợ cho các hộ nuôi gia súc lớn (từ 10 con trở lên) xây dựng hầm biogas. Còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hướng dẫn hộ không nên đưa chất thải (phân bò) ra phơi ngoài các trục đường và phía trước nhà, nhằm đảm bảo cảnh quan và môi trường. Đối với các hộ sản xuất nông sản thực hiện đăng ký bảng cam kết bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm…Từ đó đã góp phần nâng cao ý thức cho hội viên nông dân về sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục; từng bước đưa phân vi sinh, hữu cơ vào trong sản xuất cây ăn trái, trồng màu.

Hiện trên địa bàn huyện Cầu Kè, có 90% hộ chăn nuôi (từ 10 con heo trở lên) đã thực hiện xây dựng hầm Biogas và làm bảng đăng ký cam kết môi trường. Tại các địa phương đã lắp đặt 155 bể thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Vai trò của 11/11 Câu lạc bộ Chung sức xây dựng nông thôn mới do Chủ tịch Hội Nông dân xã làm chủ nhiệm đã phát huy vai trò nồng cốt trong vận động hội viên nông dân thực hiện các tiêu chí, phần việc do Hội phụ trách. Điển hình như trong thực hiện thu gom rác thải từ sản xuất nông nghiệp hiện nay, tại các xã như Thạnh Phú, Thông Hòa, Hòa Ân, Phong Phú, Tam Ngãi… Các Chi Hội Hội Nông dân phối hợp với các ngành thực hiện lắp đặt các bể chứa rác để thu gom vỏ chai, bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Nông dân Tạ Văn Lâm, hội viên Chi Hội Nông dân ấp Trà Ốt, xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè cho biết: Hiện nay, tại ấp (trục đường cặp Kênh 15) đã được lắp đặt các bể thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (khoảng cách 200m/bể) tạo thuận lợi cho các hộ sản xuất nông nghiệp sau khi sử dụng các vỏ chai, bao bì sẽ tập kết bỏ vào bể. Có thể nói, từ khi Hội Nông dân và Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện triển khai, vận động, tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, qua đó đã có trên 80% hộ sản xuất nông nghiệp có ý thức trong việc quản lý, thu gom, bảo quản các vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng đúng nơi qui định.

Bên cạnh xây dựng phong cách về ý thức của cộng đồng, đặc biệt là trong và ngoài hội viên nông dân cùng tham gia gìn giữ, bảo vệ môi trường xung quanh nơi sản xuất, chăn nuôi; đối với sản phẩm làm ra, hội viên từng bước được Hội tổ chức tập huấn, tuyên truyền và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm cùng với đăng ký cam kết bảo vệ môi trường… qua đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn, có sức cạnh cao trên thị trường. Ông Đặng Bé Bảy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Thới cho biết: Để phát huy hiệu quả kinh tế vườn ở địa phương, đặc biệt là trên cây ăn trái (bưởi da xanh), Hội Nông dân xã đã triển khai sâu rộng đến hội viên và nông dân về mô hình kinh tế tập thể gắn với sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ sinh học. Qua đó, Hội đã thành lập được 07 THT trồng bưởi da xanh (07/07 ấp), với diện tích trên 260ha, có 75 thành viên tham gia và 14 tổ Hội nghề nghiệp có cùng mục tiêu, 116 thành viên (cây ăn trái và chăn nuôi). Trong năm 2017, thông qua nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đã đầu tư 300 triệu đồng cho 12 hội viên trồng bưởi da xanh theo hướng hữu cơ, với diện tích 03ha. Sự ra đời của các mô hình THT trong sản xuất đã liên kết và thành lập được Hợp Tác xã nông nghiệp Ninh Thới, bước đầu giúp thành viên Hợp tác xã và hội viên nông dân liên kết với nhau trong sản xuất và quản lý mùa vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm và chuyển giao kỹ thuật, tìm kiếm thị trường để tiêu thụ hàng hóa (trái cây) với doanh nghiệp./.

                                                                                                    Hữu Huệ

Giới thiệu doanh nghiệp
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 25
  • Trong tuần: 155
  • Tất cả: 352832