Vượt qua ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19: Nhiều nông dân duy trì sản xuất và hiệu quả
Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, đã làm cho sản xuất, kinh doanh của người dân nói chung, nông dân nói riêng trên địa bàn tỉnh đã chịu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, phát triển kinh tế hộ. Dịch bệnh Covid-19 đã làm cho một số mặt hàng nông sản giảm giá, tồn đọng, thiếu vốn tái sản xuất... Tuy nhiên, trong khó khăn chung, được sự hỗ trợ vốn, tiếp cận khoa học-kỹ thuật, sự hỗ trợ của Hội Nông dân, sự kiên trì của bà con nông dân, nên có một số mô hình hay và cách làm sáng tạo trong sản xuất được tiếp tục duy trì phát triển.

Ông Nguyễn Văn Út chăm sóc đàn bò của gia đình.

* Nông dân Nguyễn Văn Út: Phát triển kinh tế nông hộ theo hướng chăn nuôi gắn với kinh doanh.

Đây là trường hợp của hội viên nông dân Nguyễn Văn Út, ngụ ấp Láng Khoét, xã Song Lộc, huyện Châu Thành. Trước năm 2017, do gia đình ít đất sản xuất, chỉ có gần 0,5ha vườn dừa, nên cuộc sống khó khăn. Qua tìm hiểu và học hỏi, ở Song Lộc, diện tích dừa của nông dân khá lớn, nhưng giá dừa trái thường thấp hơn so với các địa phương khác, từ đó ông quyết định thu mua dừa của nông dân xung quanh xóm, chuyển sang Bến Tre bán. Để thực hiện phương án kinh doanh này, năm 2017, ông vay của Quỹ Tín dụng Nhân dân (TDND) xã Song Lộc 10 triệu đồng để làm vốn. 

Sau khi được hỗ trợ vốn, thấy mua, bán dừa khô hiệu quả, Quỹ TDND mạnh dạn nhiều lần tái đầu tư vốn cho ông. Đặc biệt, giữa năm 2020, Quỹ TDND xã Song Lộc đầu tư 270 triệu đồng. Được vốn, cùng với vốn tích lũy, ông mua 01 chiếc máy cuốc giá 400 triệu đồng, mua 03 con bò cái giống kem Pháp để nuôi theo hình thức sinh sản. Từ đó, ông dành riêng 1.500m2 để trồng cỏ, bố trí lao động để máy cuốc hoạt động thường xuyên. Sau hơn 01 năm, máy cuốc hoạt động hiệu quả... 03 con bò nay đã sinh 02 con bê con, với đàn bò 05 con hiện có, giá trị gần 200 triệu đồng, ông dự kiến cuối năm 2021 sẽ trả hết vốn vay.

Chúng tôi được ông Diệp Quang Sơn, Phó Giám đốc Quỹ TDND xã Song Lộc hướng dẫn đến thăm gia đình ông Út, ông vừa chăm sóc đàn bò, vừa trò chuyện: hiện nay, ở Láng Khoét, nhiều nông dân đã chọn cách làm kinh tế cho thu nhập ổn định là nuôi bò sinh sản, giống lai, khi bò mẹ đẻ, sẽ cho thu nhập từ 13 - 15 triệu đồng/con/năm, chỉ cần đầu tư cho một con bò mẹ là rất dễ có một bê con mỗi năm. Cách làm kinh tế này được nhiều nông dân trong ấp chọn, vì hiệu quả, phù hợp, ít rủi ro hơn so với một số con vật nuôi khác.

Theo ông Út, để nuôi bò sinh sản hiệu quả, chất lượng bê con cao, người nuôi bò cái sinh sản cần có kinh nghiệm, nhất là chú ý một số khâu kỹ thuật: khẩu phần ăn cho bò cái có trọng lượng từ 200 - 220kg/con, cần từ 20-25kg cỏ xanh/ngày (bò nuôi nhốt chuồng); trong thời gian bò chữa hoặc sinh con, cần bổ sung thêm thức ăn tinh nhằm tăng hàm lượng dinh dưỡng nuôi thai và sản xuất sữa cho con bú. Đồng thời, khi xây dựng chuồng trại cần thiết kế hợp lý, an toàn thì bò nuôi mới có điều kiện phát triển tốt nhất. Chuồng nên xây theo hướng Nam hoặc hướng Đông-Nam, theo kinh nghiệm, đây là hướng mà mùa hè thì đón gió, không khí mát mẻ hơn còn mùa Đông hướng này lại đứng gió, bò sẽ không bị lạnh.

 * Ông Trần Quốc Thái: Nuôi cá lóc thương phẩm cần rải vụ, hiệu quả kinh tế cao.

Ông Trần Quốc Thái, là hội viên nông dân ấp Phú Khánh, cùng xã Song Lộc, huyện Châu Thành. Ông là một trong những nông dân tiên phong với phong trào nuôi cá lóc thương phẩm ở đây; ông bắt đầu nuôi cá lóc vào năm 2014, lúc đầu chỉ 01 ao, diện tích 1.000m2. Do chưa có kinh nghiệm, giá cá thấp, nên sau 06 tháng nuôi, ông bị lỗ hơn 170 triệu đồng. Không nãn chí, ông quy hoạch thêm ao thứ 2, năm 2015, ông thả nuôi 02 ao, gần 100.000 con giống, ông lời hơn 320 triệu đồng…

Những năm đầu khó khăn, do thiếu vốn, ông được Quỹ TDND xã Song Lộc cho vay 400 triệu đồng, ông tập trung quy hoạch ao nuôi, dự kiến vụ này sẽ trả dứt, bởi đã liên tục từ năm 2015 đến nay đều có lời. Hiện ông có 08 ao, gần 01ha mặt nước (bình quân hơn 1.000m2/ao), ông thả nuôi từ 400-500 ngàn con/08 ao/vụ nuôi. Tỷ lệ hao hụt giảm dần, nhờ ông áp dụng phương pháp rải vụ; thời gian thả con giống cách nhau từ 05-07 ngày. Phương pháp này khi cá lóc đạt chuẩn, đầu ra không bị đọng, không gây ảnh hưởng đến giá. Từ cuối năm 2019 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên giá vật tư tăng, khi cá đạt chuẩn thương phẩm gặp khó khâu tiêu thụ, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, sau giãn cách, giá cá lóc tăng trở lại, hiện cá lóc thương phẩm có trọng lượng từ 0,6kg trở lên, giá 43.000 đồng/kg, nhờ nuôi rải vụ, nên vụ nuôi năm 2021, ông Trần Quốc Thái lời gần 02 tỷ đồng. 

Ông ông Trần Quốc Thái chia sẻ, qua kinh nghiệm từ nhiều vụ nuôi, ngoài phương pháp nuôi rải vụ, thì thiết kế ao nuôi cũng rất quan trọng: với ông, lợi thế có sông Ô Chát, nên nguồn nước phong phú, đảm bảo cung cấp, tuyệt đối không để ô nhiễm môi trường nuôi, cũng như làm ảnh hưởng đến cộng đồng. Ông thiết kế ao có lắp đặt đường cống đáy ở giữa ao, để khi có nhu cầu thay nước, thì rút nước, hút được chất thảy, không làm động đến cá; nhưng khi cho nước vào ao, cần cho nước mặt. Nhờ vậy, tỷ lệ hao hụt bình quân chỉ từ 20-25%.

 Nói về kinh nghiệm hao hụt ít, ông Thái cho biết: mua con giống từ An Giang về ươm trong vèo với thời gian thích hợp (từ 15-20 ngày), tùy kích cỡ cá mới thả nuôi, ao nuôi cần tháo cạn nước, phơi ao từ 03-05 ngày mới cho nước vào 1/3 ao, sau 10 ngày nước trong ao chuyển sang màu xanh đọt chuối mới tiến hành thả cá nuôi.

Ông Trần Quốc Thái thuê nhân công thu hoạch cá lóc.

Trường Nguyên

Giới thiệu doanh nghiệp
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 2
  • Trong tuần: 153
  • Tất cả: 352835