TRỒNG CÂY ĂN TRÁI LIÊN KẾT SẢN XUẤT HIỆU QUẢ TRÊN ĐẤT LÚA
Thực hiện chủ trương chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng, con nuôi khác đem lại hiệu quả cao gấp 1,5 - 04 lần so với cây lúa. Thực hiện chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp giúp nông dân mạnh dạn thực hiện chuyển đổi, tăng thu nhập. Gần một năm qua, nông dân trong tỉnh đã chuyển gần 2.348ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm kết hợp nuôi thủy sản.

Nông dân Trần Văn Hiền, ấp Nguyệt Trường, xã Phương Thạnh

kiểm tra thanh long sau khi đã được chong đèn.

Nhờ mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ mới, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng liên kết sản xuất nông sản cho năng suất và giá trị thu nhập cao: vùng sản xuất rau an toàn ở huyện Châu Thành; vùng trồng màu, nuôi thủy sản ở huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải; vùng sản xuất dừa hữu cơ và cây ăn trái đạt chuẩn VietGAP ở huyện Cầu Kè; vùng trồng bưởi da xanh, quýt đường, thanh long ruột đỏ ở huyện Châu Thành, Càng Long; vùng trồng hoa kiểng ở thành phố Trà Vinh; vùng chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản tập trung ở các địa phương trong tỉnh... nhờ vậy, nông dân đã làm quen và từng bước hình thành các hợp đồng hợp tác liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp.

Từ khi thực hiện chủ trương chuyển đổi tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông dân xã Phương Thạnh, huyện Càng Long đã mạnh dạn chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn trái chủ yếu thanh long ruột đỏ đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 10 lần so với độc canh cây lúa. Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Thạnh cho biết: trước đây, xã có diện tích đất nông nghiệp 1.300ha, những năm gần đây, nông dân chuyển đổi gần 100ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây thanh long tập trung rải rác ở các ấp, trong đó Nguyệt Trường là ấp chuyển đổi nhiều nhất.

Hội viên nông dân Trần Văn Hiền là người tiên phong chuyển đổi thành công từ đất lúa sang trồng cây thanh long cho biết: 09 năm trước, ông đã mạnh dạn chuyển đổi 0,2ha đất lúa sang trồng cây thanh long, bình quân 130 trụ/1.000m2,  sau 08 tháng trồng thu lợi nhuận bình quân 01 triệu đồng/trụ. Thanh long trồng bắt đầu từ năm thứ 2 thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm, mỗi năm cho thu hoạch 03 đợt. Theo ông Hiền, mùa nghịch để thanh long ra hoa kết trái tự nhiên, sản lượng bao nhiêu thu hoạch bấy nhiêu, thời điểm từ tháng 9 âm lịch trở về sau xử lý thuốc, phân bón và tiến hành chong đèn để thanh long ra hoa nhiều,  trái chất lượng cung cấp thị trường tết Nguyên đán. Thời điểm chong đèn là thời khắc quan trọng, ông cắt tỉa chọn những hoa đạt chất lượng cho đậu trái đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Đầu năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, giá thanh long biến động thất thường, với 0,7ha thanh long thu sản lượng đạt 06 tấn, giá bán bình quân 25.000 đồng/kg, lợi nhuận 120 triệu đồng. Với 0,7ha thanh long hiện đang chong đèn từ nay đến tết Nguyên đán sản lượng ước đạt 03 tấn, lợi nhuận ước trên 50 triệu đồng. Ngoài tập trung trồng thanh long, ông Hiền kết hợp nuôi 08 con bò để lấy phân chuồng ủ làm phân bón cho cây thanh long, nhờ vậy giảm được chi phí sản xuất, trong đó có 06/08 con bò mẹ đang có chửa, mỗi năm đàn bò của ông Hiền thu lợi nhuận gần 100 triệu đồng.

Rời ấp Nguyệt Trường trong một ngày “thu mãn đông sang”, tôi đến thăm mô hình liên kết sản xuất cây ăn trái trên đất lúa kết hợp với chăn nuôi bò của  hội viên nông dân Dương Văn Sanh, ấp Tất Vinh, xã Đại Phúc, huyện Càng Long, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng trong năm. Theo ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Phúc, ông Sanh là một trong những hộ chuyển đổi trồng cây ăn trái hiệu quả trên đất lúa, hiện nay Hội đang vận động ông Sanh vào thành viên hợp tác xã nông nghiệp Đại Phúc. Ngoài diện tích chuyển đổi của ông Sanh, xã có trên 120 đất lúa chuyển sang trồng bưởi, thanh long, dừa và hoa màu, thu nhập tăng 1,5 - 03 lần so với trồng lúa, trong đó có 35ha trồng bưởi.

Ông Sanh chia sẻ thêm: với 0,25ha cam xoàn, cam sành ở xã Nhị Long hiện đang thu hoạch bình quân 200kg/ngày, giá bán bình quân 18.000 đồng/kg, lợi nhuận ước cuối năm 2020 đạt trên 100 triệu đồng, còn 1,1ha bưởi vừa qua cho thu hoạch đạt 06 tấn, giá bán bình quân 30.000 đồng/kg, lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Ngoài thu nhập từ cam, bưởi, 1,1ha diện tích dừa xen bưởi giá bán bình quân 90.000 đồng/chục cho thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Trong số 1,1ha dừa, có 0,3ha dừa sáp cho thu hoạch khoảng 40 trái/tháng. Với suy nghĩ “trúng ăn trật huề”, vì vậy ông Sanh đang tích cực chăm bón 1,1ha bưởi chuẩn bị bán vào dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nếu được giá ông sẽ thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng vào dịp Tết. Bên cạnh đó, Ông còn kết hợp xây dựng chuồng trại nuôi 40 con bò sinh sản, trong đó có 16 con bò mẹ đã sinh sản, số còn lại đang có chửa. Đồng thời ông mua thêm 0,4ha đất vườn tạp cải tạo trồng dừa sáp…

Mô hình trồng cây ăn trái trên đất lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt cây ăn trái có ý nghĩa quan trọng trong ngày Tết, luôn “sốt giá” và nguồn tiêu thụ lớn, sản phẩm bưởi và thanh long là 01 trong 05 loại quả được người dân chọn để chưng cúng gia tiên trong 03 ngày Tết. Có thể nói, việc chuyển đổi đất lúa sang trồng cây, con khác đã và đang phù hợp với hệ thống hạ tầng địa phương, có thị trường tiêu thụ nông sản ổn định. Vì thế, ngành nông nghiệp luôn khuyến khích nông dân sản xuất theo quy hoạch, sản xuất những sản phẩm chủ lực theo định hướng phát triển của tỉnh để dễ quản lý năng suất, chất lượng và đặc biệt là liên kết với thị trường.

Ông Dương Văn Sanh, ấp Tất Vinh trao đổi kỹ thuật trồng bưởi

với lãnh đạo Hội Nông dân xã Đại Phúc.

 MỸ NHÂN

Giới thiệu doanh nghiệp
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online:
  • Hôm nay:
  • Trong tuần: 151
  • Tất cả: 352833