MÔ HÌNH TRỒNG DỪA XIÊM XANH ĐẠT HIỆU QUẢ KINH TẾ
        Thực hiện phong trào chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp do địa phương phát động, trong thời gian qua trên địa bàn huyện Cầu Kè đã có rất nhiều hộ nông dân mạnh dạn lựa chọn các loại cây trồng thích hợp và có đầu ra ổn định để đầu tư phát triển, nhằm tăng thu nhập kinh tế gia đình, trong này điển hình như mô hình trồng cây Dừa xiêm xanh lùn của nông dân Trần Thanh Khởi, ấp Bưng Lớn A, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè bước đầu đã mang lại nguồn thu nhập kinh tế ổn định cho gia đình.

Vườn Dừa xiêm xanh lùn của anh Trần Thanh Khởi

       Qua trao đổi anh Khởi cho biết: Trước đây trên diện tích 11 công đất ruộng của gia đình được anh đầu tư liên liếp trồng cam sành, sau nhiều năm thì cây cam sành bị già cỗi, cộng thêm do ảnh hưởng của tình hình hạn mặn xâm nhập làm cây cam chết dần, dẫn đến hiệu quả thu nhập kinh tế thấp, từ đó anh đã quyết định chuyển đổi sang cây trồng khác thích hợp hơn; vào năm 2015, anh qua tỉnh Bến Tre để tìm tòi, học hỏi mô hình có hiệu quả để áp dụng cho mảnh vườn của gia đình và thấy mô hình trồng cây Dừa xiêm xanh lùn phù hợp với vùng đất, thổ nhưỡng của địa phương, anh quyết định bàn bạc với gia đình đốn bỏ cây cam sành để chuyển sang trồng thử 04 công Dừa xiêm xanh lùn và được anh bố trí trồng 150 gốc dừa, kỹ thuật trồng cây cách từ 5,5 - 06 m/cây, giống được mua tại tỉnh Bến Tre, với giá 35 ngàn đồng/trái dừa giống. Lúc mới trồng anh cũng hơi băn khoăn lo lắng về đầu ra cho trái dừa xiêm xanh này, nhưng sau thời gian 03 năm trồng, vườn dừa của anh đã cho trái sai, mỗi buồng có từ 12 - 15 trái và được thương lái ở thành phố Hồ Chí Minh tìm đến tận vườn để thu mua, mỗi tháng thu hoạch dừa tươi một đợt, mỗi đợt trên dưới 100 chục dừa (một chục 12 trái), với giá dao động từ 60-100 ngàn đồng/chục. Anh Khởi cho biết, vào mùa nắng nhu cầu sử dụng dừa tươi phục vụ giải khát tăng cao nên thương lái đến tận vườn thu mua khoảng 100 ngàn đồng/chục, vào mùa mưa thì dừa rớt giá còn khoảng 60 ngàn đồng/chục, với giá bán này bình quân mỗi tháng gia đình anh có thu nhập trên dưới 10 triệu đồng, sau khi trừ chi phí anh có thu nhập từ 8 - 9 triệu đồng/tháng. Anh Khởi cho biết, giống Dừa xiêm xanh lùn trồng rất hợp với thổ nhưỡng, đất đai địa phương, kỹ thuật trồng cũng đơn giản hơn so với các loại cây trồng khác, nhẹ cộng chăm sóc nhưng mang lại hiệu quả kinh tế khá ổn định.

Nói về kỹ thuật trồng dừa xiêm xanh lùn mang lại hiểu quả kinh tế, anh Khởi chia sẻ thêm: “Dừa mình trồng chủ yếu phân thuốc đầy đủ thì cho trái sai, kỹ trồng cũng dễ bón phân hàng tháng gồm có đạm, lân và kali ngoài ra phun thuốc trừ sâu và phòng trị bọ cánh cứng, vào mùa nắng thì tưới cho cây dừa một tuần một lần, hiện tại đầu ra cũng được thương lái ở sài gòn thu mua quanh năm với giá bán vào mùa mưa 60 ngàn đồng/chục vào mùa nắng thì khoảng 100 ngàn đồng/ chục, nói chung thu thập từ cây dừa luôn ổn định hơn so với cây trồng khác”. 

Vườn dừa xiêm xanh lùn của anh Khởi đang cho trái

     Từ hiệu quả kinh tế ổn định của cây Dừa xiêm xanh lùn, đến nay anh đã chuyển hết 07 công đất vườn còn lại của gia đình để đầu tư trồng dừa xiêm xanh lùn, mỗi công anh trồng khoảng 37 gốc dừa và đến nay đã hơn 02 năm tuổi, nhờ được chăm sóc tốt nên diện tích vườn dừa của anh phát triển tốt và hứa hẹn sẽ cho trái đồng loạt trong vài tháng tới và khi đó thu nhập kinh tế của gia đình sẽ được tăng lên.

      Để giúp cho bà con nông dân trên địa bàn xã Tam Ngãi có định hướng đầu tư mở rộng diện tích trồng cây dừa xiêm xanh lùn trên địa bàn trong thời gian tới. Qua trao đổi với chúng tôi ông Huỳnh Võ Trường An, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Ngãi cho biết: “Thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển sản xuất của UBND xã trong thời gian Hội Nông dân xã Tam Ngãi tích cực vận động hội viên nông dân chuyển đổi từ vườn tạp sang trồng cây ăn trái, nhất là trồng dừa điển hình như của anh Khởi ở ấp Bưng Lớn A đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong thời gian tới Hội Nông dân xã sẽ phối hợp với Hợp Tác xã vận động hội viên nông dân đăng ký trồng dừa và phối hợp với doanh nghiệp giải quyết đầu ra để hỗ trợ bà con yên tâm sản xuất, có nguồn thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình”.

      Có thể nói, hiệu quả của mô hình trồng dừa xiêm xanh lùn của nông dân Trần Thanh Khởi, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đã và đang mở ra triển vọng mới cho hội viên nông dân trên địa bàn huyện Cầu Kè nói chung và xã Tam Ngãi nói riêng nghiên cứu, lựa chọn để có định hướng đầu tư phát triển cây trồng phù hợp mang tính bền vững, tránh chạy theo phong trào dẫn đến cung vượt cầu, được mùa mất giá như đã xảy ra trong thời gian qua./. 

 

Giới thiệu doanh nghiệp
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 2
  • Trong tuần: 153
  • Tất cả: 352835