Xã Lương Hòa: NUÔI BÒ SINH SẢN, MÔ HÌNH CẢI THIỆN SINH KẾ CHO HỘ NGHÈO
Nuôi bò sinh sản là mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng không phải hộ dân nào cũng có điều kiện đầu tư mua con giống về nuôi. Do thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất nên cái nghèo vẫn luôn đeo bám. Việc hỗ trợ bò sinh sản từ các chương trình, dự án trong nhiều năm qua tại xã Lương Hòa, huyện Châu Thành đã giúp nhiều hộ nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. 


Gia đình ông Dương Văn Tâm có nguồn thu nhập, ổn định kinh tế nhờ nuôi bò sinh sản

    Theo ông Lý Văn Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Hòa, hiện xã có 20 tổ hợp tác được hỗ trợ vốn phát triển chăn nuôi và trồng trọt, đặc biệt mô hình tổ hợp tác nuôi bò sinh sản và trồng bưởi da xanh hiện đang phát triển, thu nhập cao. Đối với mô hình tổ hợp tác nuôi bò sinh sản thông qua nguồn vốn Chương trình 135, vốn XDNTM, vốn dự án, vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, vốn tín chấp từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, kinh tế gia đình của các hộ thụ hưởng được cải thiện đáng kể. Từ hộ nghèo, không có con giống để sản xuất, giờ đây gia đình các hộ đã có bò con để chăm sóc, đây là cơ hội để các gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững. Điển hình như gia đình nông dân Dương Văn Tâm, ấp Ba Se B, xã Lương Hòa là một trong những hộ dân được hỗ trợ bò sinh sản, kinh tế gia đình đã ổn định và vươn lên thoát nghèo. Ông Tâm chia sẻ: Từ năm 2016 gia đình được bình xét hỗ trợ 01 con bò sinh sản, trị giá 10 triệu đồng. Nhờ chăm sóc tốt, áp dụng chăn nuôi đúng quy trình khoa học - kỹ thuật mà cán bộ xã hướng dẫn, đồng thời chú trọng tới trồng cỏ làm thức ăn cho bò nên con bò mẹ ban đầu đã sinh 01 con bê/năm, nâng tổng số đến nay đã có 04 con. Ngoài việc tập trung phát triển đàn bò, tôi còn nhận gia công đan tấm mê dùng để phơi bánh tráng, bình quân mỗi ngày đan khoảng 20 - 30 tấm, giá bán 45.000 đồng/tấm, lợi nhuận 30.000 đồng/tấm.
    Không riêng gì gia đình ông Tâm, mà hầu hết các hộ có tham gia nuôi bò sinh sản của các chương trình, dự án đều rất phấn khởi vì kết quả mang lại sau thời gian chăn nuôi vất vả, bò đã sinh sản đạt yêu cầu. Nông dân Lâm Văn Sang, ấp Ba Se B phấn khởi về kết quả mang lại gia đình ông cũng như gia đình nông dân trên địa bàn khi tham gia vào hoạt động do chương trình, dự án tài trợ, ông Sang cho biết: Nuôi bò sinh sản tuy vốn đầu tư con giống ban đầu cao nhưng hiệu quả kinh tế cao và ổn định, chủ yếu lấy công làm lời. Trước đây, gia đình tôi được hỗ trợ vốn 20 triệu đồng mua 02 con bò cái về nuôi nhằm để tăng đàn bò sinh sản, sau hơn 01 năm chăm sóc, bò sản sinh 02 con bê con, nâng tổng số đến nay, gia đình có 07 con bò cái, 06 con bê con. Để chủ động nguồn thức ăn phục vụ đàn bò nuôi, ngoài việc thu mua rơm rạ của nông dân sau thu hoạch lúa, gia đình còn trồng cỏ xen trong vườn dừa.  Nhờ vậy, nguồn thức ăn dồi dào phục vụ tốt cho đàn nuôi, bình quân mỗi năm bán từ 02 - 03 con, lợi nhuận từ 30 - 45 triệu đồng/năm.
    Từ các chương trình, dự án trên cho thấy, chính sách hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo là sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, tạo động lực cho các gia đình vươn lên thoát nghèo. Đánh giá về hiệu quả mô hình nuôi bò sinh sản cải thiện sinh kế cho người dân địa phương, ông Nguyễn Quốc Vĩnh, Bí thư Đảng ủy xã Lương Hòa cho biết thêm: Thực hiện các chính sách hỗ trợ từ chương trình, dự án nhằm mục đích nâng cao năng lực cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn thông qua mô hình nuôi bò sinh sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao như nuôi bò dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, môi trường nuôi chủ yếu nhốt chuồng. Sau gần 05 năm thực hiện, các chương trình, dự án đã thật sự trở thành “cứu cánh” và là động lực giúp cho nhiều hội viên nông dân, nhất là hội viên nghèo vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Đến nay, tổng đàn bò của xã phát triển lên đến 1.972 con, từ năm 2017 đến nay, thông qua nguồn vốn các chương trình, dự án,… đặc biệt là vốn chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, vốn Chương trình 135, xã được hỗ trợ số bò sinh sản 36 con (tương đương 36 hộ nghèo), tổng số tiền 452 triệu đồng, trong đó có 27 con bê con, các con còn lại đang giai đoạn mang thai và chuẩn bị sản sinh trong năm 2019. Qua rà soát xã còn 275 hộ nghèo, trong đó đã có 19 hộ nghèo được hưởng lợi từ các chương trình, dự án đã từng bước vươn lên phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững.
    Với việc triển khai thực hiện tích cực, đúng tiêu chí, đối tượng hưởng thụ, dự án mô hình giảm nghèo nuôi bò sinh sản đã tạo được niềm tin và sự hưởng ứng tích cực của người dân, tạo sức bật đối với những hộ nghèo của xã. Từ những hiệu quả thiết thực, dự án đã giúp các hộ nghèo dần có cuộc sống ấm no, ổn định, từng bước tiến tới giảm nghèo bền vững. Thời gian tới, để tạo được tác động tích cực và lan tỏa, xã sẽ vận động các nguồn lực sẳn có của cộng đồng, của các chương trình quốc gia và của các tổ chức tài chính (Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức cho vay tín dụng nhỏ…) để hỗ trợ cho cộng đồng bằng cách xây dựng vốn xã hội và thúc đẩy sự thay đổi trong cộng đồng. Qua đó, giúp người dân gắn bó, đoàn kết với nhau, nâng cao năng lực bản thân để tăng thu nhập phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo./.
                                                                                                Thanh Nguyên
Giới thiệu doanh nghiệp
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 6
  • Trong tuần: 157
  • Tất cả: 352839