VAI TRÒ HỘI NÔNG DÂN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Thực hiện nhiệm vụ XDNTM và tham gia phát triển nông nghiệp, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tích cực vận động, tuyên truyền trong hội viên và nông dân đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ theo chuỗi liên kết giá trị gắn với chương trình XDNTM trên đ ịa bàn.

Nông dân Trần Văn Chung kiểm tra lúa giống trên đồng ruộng trước khi thu hoạch.

Đến cuối tháng 9/2021, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã triển khai các nguồn vốn: Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác cho 37.528 hộ hội viên vay trên 934 tỷ đồng; vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đầu tư 146 dự án cho 1.429 hộ vay, với số tiền 38,573 tỷ đồng…

Để tiếp tục phát huy vai trò của Hội trong XDNTM cũng như đẩy mạnh khôi phục lại sản xuất sau dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Văn Dũng, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: trong phát triển kinh tế hộ, Hội sẽ chủ động khảo sát, đánh giá các dự án đầu tư đang có hiệu quả để nhân rộng ra bằng các nguồn vốn của Hội, vốn ủy thác, liên kết với các doanh nghiệp để đầu tư cho nông dân. Trong này, Hội tập trung hỗ trợ nông dân vùng chuyên canh mía ở huyện Trà Cú (phía trong Tỉnh lộ 915) để khôi phục và chuyển đổi các diện tích mía kém hiệu quả, đất trồng mía bỏ hoang để đầu tư chuyển đổi sang trồng cỏ nuôi bò, trồng dừa và trồng các loại cây màu khác… Cùng với tham gia phát triển nông nghiệp, Hội Nông dân tỉnh tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua gắn với XDNTM; đặc biệt, các tiêu chí do Hội tham gia phối hợp thực hiện như tiêu chí nhà ở dân cư, tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm…

Hiện nay, thông qua vai trò 85 câu lạc bộ “Chung sức XDNTM” của Hội Nông dân đã tập trung triển khai, vận động hội viên và nông dân tham gia phong trào XDNTM. Trong năm 2021, các cấp Hội đã vận động hội viên, nông dân tham gia đóng góp 1.328 ngày công lao động, hiến hơn 7,218ha đất để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, bắc mới 03 cầu nông thôn; xây dựng 08 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết... Thực hiện mô hình “thu gom và xử lý rác thải trong sản xuất nông nghiệp”, Hội đã đã đầu tư lắp đặt 60 cống chứa rác thải nông nghiệp tại xã Tân Hiệp, Long Hiệp (huyện Trà Cú) với số tiền 214 triệu đồng...

Thực hiện hiệu quả vai trò là cầu nối giữa nông dân với Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã; tập trung vận động tư vấn hỗ trợ, đồng hành với nông dân thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển sản xuất. Hội Nông dân tỉnh đang chỉ đạo các Hội cơ sở củng cố các tổ hợp tác, nhân rộng các tổ hội nghề nghiệp trong sản xuất. Thông qua phối hợp các đơn vị, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ nông dân liên kết các dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào trong sản xuất cho hội viên và nông dân, với số tiền trên 22 tỷ đồng (gồm 54,6 tấn phân, trị giá 17,47 tỷ đồng; 45 tấn lúa giống, trị giá 2,726 tỷ đồng; 1.700 cây, con giống và 5,1 tấn thuốc bảo vệ thực vật, trị giá 2,232 tỷ đồng) góp phần hạ giá thành sản phẩm tăng thu nhập, kết hợp vận động nông dân sản xuất nông sản sạch.

Đến đầu tháng 10/2021, các cấp Hội đã thành lập 629 tổ hợp tác, với 14.075 thành viên và 342 tổ hội nghề nghiệp, với 2.013 thành viên; củng cố, xây dựng 112 mô hình kinh tế tập thể và nông hộ, như mô hình trồng bưởi da xanh, chanh xen dừa, đậu phộng, nuôi dê, nuôi bò sinh sản, nuôi lươn không bùn, nuôi tôm công nghiệp… Qua đó, một số mô hình nông hộ đã phát huy hiệu quả kinh tế và thu hút nhiều hội viên, nông dân tham gia. Điển hình như mô hình “Sản xuất lúa giống” của hội viên nông dân Trần Văn Công (ấp Giồng Trôm, xã Mỹ Chánh); mô hình “Sản xuất lúa giống và Dịch vụ nông nghiệp” của hội viên Trần Văn Chung (ấp Ô Tre Lớn, xã Thanh Mỹ), huyện Châu Thành.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Dũng, Hội Nông dân tỉnh đang quyết tâm xây dựng mô hình chuyển đổi đất mía kém hiệu quả của huyện Trà Cú, với diện tích khoảng 1.000ha. Trước mắt, Hội xây dựng và đầu tư mô hình mẫu thông qua nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, đã đầu tư mô hình ở xã Lưu Nghiệp Anh cho 17 hộ để chuyển đổi đất mía kém hiệu quả sang trồng cỏ kết hợp trồng dừa và nuôi bò; kết hợp nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư dự án lúa - tôm càng xanh (xã Hàm Tân); dự án nuôi dê (thị trấn Định An).

Để tiếp tục thúc đẩy phong trào chuyển đổi sản xuất, tận dụng tối đa nguồn lực (đất đai, lao động…) thì việc tổ chức lại sản xuất đòi hỏi cần có sự tập trung của các ngành, các cấp và địa phương cùng với sự vào cuộc của các doanh nghiệp.

Hữu Huệ

Giới thiệu doanh nghiệp
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 2
  • Trong tuần: 153
  • Tất cả: 352835