TỔ HỢP TÁC NUÔI LƯƠN MANG LẠI HIỆU QUẢ KINH TẾ CAO
Những năm gần đây, phong trào nuôi lươn không bùn ở xã Vinh Kim có bước phát triển mạnh về quy mô và diện tích, được vậy là do Chi hội Nông dân ấp Giồng Lớn tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia và thành lập Tổ hợp tác nuôi lươn không bùn mang lại hiệu quả thiết thực. Từ đây, Tổ Hợp tác đã được NHCSXH đầu tư vay vốn khởi nghiệp với số tiền 500 triệu đồng.

Mô hình nuôi lươn không bùn của Tổ hợp tác ấp Giồng Lớn, xã Vinh Kim

Với mô hình sản xuất tập trung, cùng nhau tương trợ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, bà con trong Tổ chia sẽ kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi, và liên kết nhau trong sản xuất. Nhằm giúp bà con nâng cao hiệu quả từ mô hình này. Tổ hợp tác nuôi lươn ấp Giồng Lớn, xã Vinh Kim bước đầu mang lại hiệu quả và nâng cao thu nhập cho các tổ viên. Để nâng cao kiến thức và kinh nghiệm Hội Nông dân xã kết hợp với các ngành chuyên môn thường xuyên mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm và nuôi lươn sinh sản cho hội viên nông dân.

Anh Nguyễn Minh Thiện, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi lươn ấp Giồng Lớn cho biết: nuôi lươn mang lại hiệu quả cao và đầu ra ổn định, nhưng hội viên cần nắm vững các khâu từ xây chuồng, nguồn nước và phương pháp chăm sóc…

Diện tích bể nuôi từ 4 - 6m2 hoặc 10 - 20m2. Độ cao thành bể từ 0,8 - 1m. Mực nước từ 30 - 40cm, trên mặt nước thả bèo tây hoặc lục bình khoảng 1/3 diện tích bể để tạo bóng mát cho lươn. Trên mặt bể, treo dây nilon thành từng chùm để cho lươn trú ẩn. Bể nuôi lươn nên thiết kế ống cấp nước và thoát nước chủ động để dễ dàng thay nước. Lươn là một loài không ưa ánh sáng nên bể nuôi phải có mái che, hoặc làm giàn trồng cây leo tránh sự thay đổi nhiệt độ. Việc chọn giống phải lựa chọn những con lươn thân màu vàng có chấm lớn, loại này lớn rất nhanh; loại có thân màu vàng xanh, chỉ sinh trưởng trung bình. Không nên chọn lươn giống có màu xám tro, vì loại này thường chậm lớn; thức ăn cho lươn có nguồn gốc từ động vật như tép, cá tạp, ốc bươu vàng cắt nhỏ cho lươn ăn sẽ lớn nhanh hơn so với thức ăn có nguồn gốc từ thực vật. Tuy nhiên để giảm bớt chi phí và chủ động nguồn thức ăn có thể phối chế thức ăn cho lươn với tỉ lệ đạm động vật và thực vật là 7:3 hoặc 8:2. Thức ăn đạm động vật nên băm nhỏ hay xay nhuyễn, để sống hoặc nấu chín. Phần đạm thực vật cần nấu chín, để nguội. Sau đó trộn đều 2 phần này với nhau, trộn thêm bột gòn để tạo độ dính cho thức ăn, đồng thời bổ sung thêm các vitamin, men tiêu hóa như: Vitalec, Mita Glucan, Mita Aquazyme,… để chống stress, tăng cường sức đề kháng cho lươn, giúp lươn tăng trọng tốt.

Sau hơn 01 năm hoạt động, Tổ hợp tác nuôi lươn đã nâng lên 12 thành viên, Từ khi tham gia Tổ hợp tác, các tổ viên được giao lưu, trao đổỉ học hỏi kinh nghiệm nuôi, cách phòng, trị bệnh, kỹ thuật nuôi lươn của các thành viên nâng lên rõ rệt. Từ đó, các thành viên trong Tổ đã mạnh dạn mở rộng quy mô và diện tích nuôi, vụ nuôi vừa qua Tổ đã xuất bán được trên 4 tấn lươn thương phẩm với giá bán 150.000đ/kg, sau khi trừ chi phí lợi nhuận từ 10 – 20 triệu đồng/hộ/vụ nuôi.

Mô hình Tổ hợp tác nuôi lươn ấp Giồng Lớn là một trong những mô hình  liên kết sản xuất đạt hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên nông dân, góp phần cùng địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đây là hướng đi mới và bền vững trong chăn nuôi cần được nhân rộng để cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập người nông dân trên địa bàn./.

      Hà Văn Điền

CT- HND xã Vinh Kim

Giới thiệu doanh nghiệp
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 22
  • Trong tuần: 173
  • Tất cả: 352855