Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi: SỰ ĐỒNG BỘ VÀO CUỘC TỪ CÁC NGÀNH ĐOÀN THỂ
Hiện nay, trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang tiếp tục diễn biến phức tạp, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt trong công tác dập dịch từ ngành chuyên môn; cùng với đó ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương tích cực triển khai các biện pháp ứng phó, chỉ đạo tăng cường lực lượng, phối hợp các cấp, các ngành nhằm phòng chống, ngăn chặn bệnh tại các địa phương chưa xảy ra dịch. Có thể nói sự đồng bộ vào cuộc từ các ngành đoàn thể như Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh… thông qua việc tuyên truyền, tổ chức các hoạt động truyền thông đến với cơ sở và hội viên về công tác phòng bệnh DTLCP đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao nhận thức của người dân về bệnh DTLCP cũng như việc sử dụng sản phẩm thịt heo…

Mô hình nuôi heo của hội viên Chi hội Ấp I, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè

    Trao đổi với chúng tôi về định hướng trong công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh DTLCP; bà Nguyễn Ngọc Hài, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài heo (cả heo nhà và heo hoang dã); bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi heo. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Hiện nay chưa có vắc xin phòng và thuốc điều trị được bệnh DTLCP. Bệnh DTLCP không lây nhiễm bệnh sang người. Do đó cần thông tin, tuyên truyền để người nuôi heo biết, chủ động hợp tác trong phòng, chống dịch bệnh. Nêu rõ trách nhiệm, quyền lợi của cá nhân có liên quan trong việc phòng, chống cho đàn gia súc, cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, giảm thiểu nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh. Chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp gia súc mắc bệnh, để tổ chức chống dịch có hiệu quả.
    Từ định hướng trong công tác tuyên truyền đến với người dân và các hộ chăn nuôi, Hội Nông dân tỉnh đã kịp thời triển khai đến Ban Thường vụ Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố về tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống DTLCP. Từ tháng 5/2019, thông qua các cuộc họp lồng ghép hàng tháng tại 103 cơ sở hội và 787 chi Hội đã được Hội cấp phát các tài liệu hướng dẫn của ngành Thú y về bệnh DTLCP. Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh và Hội Nông dân các huyện Trà Cú, Châu Thành, Cầu Kè và Càng Long còn tổ chức hoạt động truyền thông về phòng, chống bệnh DTLCP cho hộ chăn nuôi heo tại các xã Tập Sơn, Hòa Thuận, Ninh Thới, Phương Thạnh.
    Theo bà Lê Bích Chi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: trong phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, Ban Thường vụ Tỉnh Hội chỉ đạo cho các địa phương kịp thời tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương phối hợp các ngành chức năng có liên quan tập trung tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ hội viên và nông dân; vận động các hộ chăn nuôi có các giải pháp phòng, chống dịch; theo dõi, kịp thời phát hiện, thông báo cho cán bộ chuyên môn nắm để có biện pháp xử lý. Tuyên truyền, vận động hội viên và nông dân không tham gia các hoạt động mua, bán, vận chuyển heo, sản phẩm thịt heo nhập lậu đi tiêu thụ; không mua bán heo, sản phẩm heo không có nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch…Tổ chức sinh hoạt lệ Chi, Tổ Hội định kỳ lồng ghép nói chuyện chuyên đề để thông tin đến tất cả hội viên, nông dân trên địa bàn, nhất là những vùng chăn nuôi để thực hiện tốt và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh DTLCP vào địa bàn…
    Trong mặt trận tuyên truyền về phòng, chống bệnh DTLCP; vai trò của Hội Nông dân các cấp tập trung tuyên truyền đi sâu vào nội dung và định hướng cho hội viên  nông dân biết bệnh DTLCP không lây qua người; vì vậy, trong sử dụng thực phẩm hàng ngày không xa lánh, tẩy chay sản phẩm thịt heo; đồng thời từng gia đình của hội viên nếu có chăn nuôi heo cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống bệnh theo khuyến cáo của ngành thú y…
                                                                                                               Hữu Huệ
Giới thiệu doanh nghiệp
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 25
  • Trong tuần: 155
  • Tất cả: 352832