NÔNG DÂN HUYỀN HỘI TRỒNG CHANH KHÔNG HẠT XUẤT KHẨU
Trong khi nhiều bà con nông dân ở tỉnh Trà Vinh đang loay hoay với câu hỏi trồng cây gì, bán ở đâu, lời lãi thế nào thì hơn 200 thành viên Hợp tác xã (HTX) Thành Chí trồng chanh không hạt ở xã Huyền Hội huyện Càng Long lại an tâm sản xuất, thu hoạch chanh bán đều đặn mỗi tháng 2 lần cho HTX để xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Châu Âu. Thu nhập đều đặn và ổn định từ cây chanh không hạt đã giúp cho nhiều bà con có kinh tế khá giả và an tâm sản xuất.

Cán bộ Hội thăm HTX chanh không hạt Huyền Hội

Theo ông Phan Đức Tài, Giám đốc HTX Thành Chí thì hiện nay mỗi tháng HTX xuất khẩu chanh không hạt sang thị trường Hà Lan với sản lượng từ 30 đến 70 tấn. Con số này chưa đạt đến 50% sản lượng cung cấp chanh theo hợp đồng giữa HTX và phía Công ty thu mua. Theo ước tính của HTX thì từ năm 2024 trở đi, khi những diện tích trồng chanh của các thành viên HTX thu hoạch trái ổn định thì mới có thể mong đáp ứng đủ. Trong trường hợp đã cung ứng đủ số lượng chanh theo hợp đồng với Công ty thu mua, nếu sản lượng chanh vượt nhiều hơn thì HTX ngoài việc thu mua chanh cho bà con với giá ban đầu, còn hỗ trợ thêm 500 đồng/kg chanh khuyến khích bà con tăng gia sản xuất để vụ sau đạt sản lượng cao hơn.

 Hiện nay vấn đề đầu ra không còn quá khó, tiềm năng rất lớn, sản lượng không đủ cung ứng nên ông đang vận động thành viên mở rộng diện tích trồng chanh, đồng thời kết nạp thêm thành viên mới, mở rộng sang các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải và Trà Cú nhằm tăng diện tích trồng chanh không hạt. Tính đến nay, HTX có hơn 200 thành viên tham gia sản xuất trên diện tích 117 ha.

Do chanh không hạt được xuất khẩu sang thị trường Châu Âu nên khâu sản xuất phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn Global Gap. Theo đó, nông dân khi tham gia mô hình phải tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt của phía thu mua. Từ khâu xử lý bông, làm trái, phòng trị dịch bệnh đều có kỹ thuật viên của Công ty và HTX đến tận vườn hỗ trợ bà con. Theo đó bà con nông dân vẫn được sử dụng phân bón và thuốc hoá học, tuy nhiên chỉ được sử dụng các thành phần hoạt chất trong danh mục cho phép với liều lượng nhất định theo chỉ dẫn của nhân viên kỹ thuật. Ông Phan Đức Tài – Gíam đốc HTX Thành Chí cho biết: “Hiện tại bên công ty thu mua  có 2 kỹ thuật viên hỗ trợ trực tiếp trên vườn của bà con. Đúng 1 tuần hoặc 10 ngày sẽ thăm vườn bà con 1 lần. Bên HTX cũng có 2 kỹ thuật cũng hỗ trợ trực tiếp cho bà con nông dân, hỗ trợ làm trái sao cho nó đạt chuẩn để mình xuất khẩu, thuốc men phải đạt quy trình, nó có nguyên cái quy trình đầy đủ cho bà con. Hiện tại mình đáp ứng chỉ mới 50% đơn hàng thôi, còn thiếu rất là nhiều.”

Anh Tạ Quốc Huy ở ấp Trà On xã Huyền Hội cho biết, hơn 2 năm qua anh có thu nhập ổn định và kinh tế khá hơn nhờ trồng chanh không hạt. Khu vườn trồng chanh này trước đây anh Huy canh tác lúa, nhưng năng suất không cao, dịch hại nhiều, giá phân tăng qua từng vụ nên canh tác thường bị thua lỗ. Từ ngày bén duyên với cây chanh, được HTX Thành Chí hỗ trợ quy trình kỹ thuật, lại được bao tiêu đầu ra với giá cả ổn định, đảm bảo giá cao hơn thị trường bên ngoài, nên 2 năm qua anh Huy an tâm sản xuất, dồn hết tâm huyết cho vườn chanh, năng suất vụ sau cao hơn vụ trước. Từ đó thu nhập của gia đình cũng khá hơn rất nhiều.

Trung bình mỗi cây chanh cho năng suất 150 kg/năm. Giá bán thấp nhất ở vụ thuận là 10 ngàn đồng/kg và thấp nhất ở vụ nghịch là từ 20 đến 25 ngàn đồng/kg và có thể cao hơn tuỳ thời điểm nhưng HTX luôn đảm bảo thu mua chanh cho bà con cao hơn giá thị trường 3 ngàn đồng/kg.

Với hơn 200 gốc chanh trồng trên diện tích 5.500 mét vuông, trung bình mỗi năm anh Huy thu hoạch trên 30 tấn chanh. anh Huy có lợi nhuận bình quân 300 triệu đồng/năm. Mới đây anh Tạ Quốc Huy vừa được Hội nông dân tỉnh thông qua nguồn vốn uỷ thác hỗ trợ 50 triệu đồng. Số vốn này được anh Huy dùng để lên liếp, mua cây giống tiếp tục mở rộng diện tích trồng chanh không hạt. Anh Huy cho biết thêm:“Miếng vườn này 5 công rưỡi. Trước đây trồng lúa, có khi mặn, lúa không sạ được, không hiệu quả, mưa gió, rồi lúa lộn, chuột nữa nên tôi chuyển đổi lên trồng chanh. Tôi bán cho công ty bao tiêu xuất khẩu nên giá cũng ổn định, nên cuộc sống có dư. Mùa thuận này HTX thu mua không dưới 10 ngàn, giá thấp nhất là 10 ngàn, ngoài thị trường giờ khoảng 4,5 ngàn thôi. Mùa nghịch thì ở ngoài có thể 20 30 ngàn, mình có thể cao hơn ngoài 3 ngàn 1 kí HTX mua. Tôi mới được vay 50 triệu đồng vốn khởi nghiệp của Hội nông dân, sắp tới sẽ mở rộng thêm diện tích trồng”

Theo anh Lâm Văn Phụng, chi phí đầu tư cho 1 kg chanh khoảng 4 ngàn đồng. Nếu vào vụ thuận, HTX thu mua 10 ngàn đồng/kg thì mỗi kg chanh anh có lãi 6 ngàn đồng. Còn với những vụ nghịch thì giá cả cao hơn rất nhiều, thông thường giá HTX bao tiêu từ 20 đến 25 ngàn đồng/kg, có khi cao hơn tuỳ theo thời điểm. Đồng nghĩa với việc, canh tác 7 tháng vụ nghịch, anh sẽ có lợi nhuận cao hơn gấp đôi so với vụ thuận.

Thấy mô hình trồng chanh không hạt vừa có lợi nhuận, vừa được hỗ trợ kỹ thuật, quy trình chăm sóc, lại được HTX bao tiêu đầu ra nên anh Phụng không quá lo lắng khâu tiêu thụ. Mỗi tháng 2 lần thu hoạch đều có người của HTX hỗ trợ anh khâu hái trái và chuyên chở về HTX. Mới đây, anh Phụng được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn uỷ thác Hội nông dân, anh mở rộng thêm diện tích 5.500 mét vuông tiếp tục trồng chanh không hạt. Tính đến nay, anh Phụng có 1,1 ha đất trồng chanh, trong đó có hơn 5.000 mét vuông đang cho trái. Anh Phụng cho biết thêm:

“Hiện giờ gia đình cũng còn 20 công đất, tôi tính mở rộng diện tích trồng chanh. Mới đây tôi cũng được vay vốn 50 triệu đồng từ Quỹ khởi nghiệp sẽ tiếp tục  lên liếp, mua cây giống, vật tư nông nghiệp”

Thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng chanh không hạt xuất khẩu, Hội nông dân xã Huyền Hội đã tạo điều kiện giúp cho các thành viên HTX được tiếp cận với các nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách để giúp cho bà con có thêm điều kiện mở rộng sản xuất, cải tạo đất, lên liếp, mua cây giống và vật tư nông nghiệp. Khi có đầu ra ổn định, chính quyền địa phương khuyến khích, tích cực hỗ trợ cho bà con nông dân canh tác, nâng cao thu nhập. Ông Phạm Văn Sử - Chủ tịch Hội nông dân xã Huyền Hội nói:

“Trước đây ruộng đất trồng lúa kém hiệu quả, sau đó chuyển đổi bưởi da xanh, cam quýt, cũng khó trồng, đầu ra cũng khó. Trong khi đó, bà con thấy cây chanh không hạt dễ chịu, đầu ra cũng dễ nên bà con trồng. Để nhân rộng mô hình này, sắp tới Hội nông dân xã vận động bà con tăng diện tích để tăng sản phẩm cho HTX, đồng thời tiếp tục phối hợp Hội cấp trên hỗ trợ vốn để bà con có điều kiện mở rộng”

Đầu ra cho nông sản luôn là vấn đề khó và làm cho bà con nông dân trăn trở. Việc trồng cây gì, bán cho thị trường nào, giá cả bao nhiêu luôn là những câu hỏi chưa có lời giải đáp và thường xuyên bỏ ngõ. Đó là tình hình chung của phần lớn bà con nông dân làm nông nghiệp hiện nay.

Để có được những hợp đồng xuất khẩu như hiện tại, HTX Thành Chí bên cạnh sự nhạy bén, linh hoạt trong nắm bắt thị trường, còn là cả một quá trình nỗ lực tìm đầu ra, tìm nơi tiêu thụ vừa đảm bảo ổn định vừa có thu nhập khá cho bà con. Khi không còn loay hoay với nỗi lo tìm thị trường tiêu thụ, bà con nông dân sẽ chuyên tâm sản xuất, tạo ra những sản phẩm nông sản giá trị, chất lượng cao, không chỉ phục vụ xuất khẩu sang thị trường Hà Lan, mà còn có thể đáp ứng được đối với những thị trường khó tính khác, khẳng định giá trị của nông sản Việt trên trường quốc tế.

Trúc Huỳnh 

Giới thiệu doanh nghiệp
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 2
  • Trong tuần: 153
  • Tất cả: 352835