NHÂN RỘNG MÔ HÌNH TRỒNG NĂN TRÊN ĐẤT LÚA KÉM HIỆU QUẢ
Mỹ Long Nam là xã ven biển của huyện Cầu Ngang, phần lớn đất canh tác là đất trũng, nhiễm phèn mặn. Theo người dân nơi đây, ngày xưa đất nhiều chủ yếu để cỏ dại mọc hoang dùng để nuôi trâu nuôi bò, nếu có làm lúa chỉ 01 vụ/năm, năng suất thấp. Các loại rau như rau năn, rau bồng, rau chốc, rau mã tiền mọc sinh trưởng khắp nơi. Cây rau năn được người dân ấp Nhứt B, xã Mỹ Long Nam phát hiện là loại rau ngon, đặc sản trong ẩm thực.


Bà Nguyễn Thị Bích Ngân thu hoạch năn bán lẻ cho người dân trong ấp.

    Năn là món rau phổ biến và trở thành loại rau chính trong bữa ăn hàng ngày của người dân xã Mỹ Long Nam. Năn là loại rau sạch, dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, chỉ cần bón phân hữu cơ lúc xuống giống, thời gian thu hoạch lâu, lợi nhuận nhiều. Đặc biệt là được thị trường ưa chuộng nên người dân trong xã quy hoạch vùng trồng năn thâm canh và trở thành mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần giảm nghèo của địa phương. Ấp Nhứt B là địa phương mạnh dạn thử nghiệm việc chuyển đổi đất lúa sang trồng năn, diện tích phát triển khá nhanh, đến nay toàn ấp có 5,5ha tương đương 33 hộ. Theo người dân ấp Nhứt B, xuất phát từ kinh tế thấp, làm lúa bị thua lỗ nhiều do năng suất thấp, giá bán bấp bênh, sản xuất 01 vụ/năm chỉ trông vào nước trời. Từ đó, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xác định năn là cây có giá trị kinh tế cao và trở thành cây chuyển đổi chính của người dân trong ấp. Ban đầu có vài hộ trồng, sau đó có kết quả và bây giờ trở thành phong trào.
    Trước đây, vào mùa mưa, cánh đồng ruộng tại ấp Nhứt B mọc toàn cỏ dại chủ yếu là lác, năn, bồng bồng và cỏ dại các loại. Sau đó người dân địa phương tìm hiểu về đặc tính của cây năn, bồng bồng, rau chốc, rau mã tiền bằng cách đem chế biến thành những món ăn (luộc, xào, nấu lẩu). Nhận thấy năn là loại cây rau dễ trồng và sinh trưởng nhanh ở vùng nước mặn, lợ và mang lại hiệu quả kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng. Kể từ đó, những hộ dân trong vùng nghiên cứu tìm giống trồng thử nghiệm và nhân rộng cho đến nay. Theo nông dân Trần Văn Sắc, ấp Nhứt B, năn phù hợp với những hộ dân có đất canh tác, mà đất canh tác không đạt hiệu quả thì có năn này thì người dân đổi đời rất nhanh, bình quân người trồng năn thu lợi nhuận trên 40 triệu đồng/vụ/1.000m2. Với 0,15ha đất trồng năn chuyển đổi trên đất lúa gần 05 năm qua đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năn trồng hơn 01 tháng bắt đầu cho thu hoạch từ 2,5 - 03 tháng, nếu chăm sóc tốt, giá năn tăng cao, năn kéo dài thời gian thu hoạch từ 04 - 05 tháng. Năn trồng thu hoạch vào ban đêm, từ 00 giờ đến 04 giờ sáng, sau đó rửa sạch, bó thành bó đem ra chợ giao cho thương lái. Bình quân 0,15ha năn, vợ và con ông thu hoạch từ 40 - 50kg/đêm, giá bán cho thương lái 13.000 đồng/kg, thu nhập từ 550.000 - 650.000 đồng/ngày. Ông Sắc cho biết: Trồng năn tuy lợi nhuận cao nhưng cực công chăm sóc, chủ yếu thu hoạch vào ban đêm. Từ khi xuống giống cho đến thu hoạch, ban ngày bơm nước nuôi dưỡng năn, mực nước duy trì 05 tấc, dọn sạch cỏ dại mọc chung quanh ruộng năn. Thu hoạch sớm, năn bị lồi đầu không ngon, thị trường bán không chạy. Do đó, người trồng năn chỉ thu hoạch ban đêm mới có năn ngon, non và đẹp bắt mắt người tiêu dùng.
    Đến với ấp Nhứt B, cảm nhận của chúng tôi qua lời kể của người trồng năn, nhất là trong không gian đêm khuya thanh vắng yên bình lại có một nhịp sóng sôi đội và những cuộc giao thương nhộn nhịp diễn ra nơi đồng quê. Bà Nguyễn Thị Bích Ngân, ấp Nhứt B cho biết: Năn là cây trồng thiên nhiên, mọc từ dưới đất lên, không sử dụng thuốc hóa học. Những năm gần đây, người dân trong ấp nhận thấy cây năn có giá trị kinh tế cao, nên đã khai thác gốc năn làm giống và nhân rộng trồng trên diện tích đất lúa kém hiệu quả của gia đình, có thu nhập ổn định quanh năm. Trước đây năn chỉ cho thu hoạch và lợi nhuận những tháng mùa mưa. Gần đây, nông dân đã chủ động khai thác đầu tư hệ thống mô - tưa điện bơm nước phục vụ ruộng năn vào mùa khô. Năn cho thu nhập mỗi ngày liên tục 03 tháng và thưa dần 02 ngày thu hoạch 01 lần khi bước sang tháng thứ 4 và thứ 5. Năn thường nhú lên khỏi mặt đất từ 0,8 - 1,2 tấc cho thu hoạch, loại cây này sinh trưởng mạnh nên với cách trồng xen kẻ người trồng năn có thể thu hoạch mỗi đêm. Sau khi thu hoạch xong đưa vào khung gỗ tự chế cắt từ gốc lên khoảng 3,5 tấc, sau đó bó lại thành mỗi bó 01 kg giao cho thương lái. Việc nhổ năn thường kết thúc từ 02 - 03 giờ sáng để tiến hành khâu cắt, rửa sạch, bó lại thành 01kg cho đến 04 - 05 giờ sáng là thời điểm thương lái đến tận ruộng để thu mua kịp phiên chợ sáng. Thu hoạch theo cách này, người tiêu dùng có được cây năn tươi non, ngọt sử dụng trong ngày, nếu thu hoạch sớm vào buổi chiều để qua đêm sau đem bán ra chợ bán thì năn sẽ biến đổi thành màu đen và mất đi vị ngọt đậm đà, giá bán rất thấp.
    Bà Ngân chia sẻ thêm: Trồng năn rất vất vả, nhất là thời điểm thu hoạch vào ban đêm, người trồng năn trầm mình dưới bùn nước từ 02 - 03 giờ để thu hoạch năn nhưng sáng sớm có tiền mặt mỗi ngày đủ trang trải cuộc sống hàng ngày nên nông dân vô cùng phấn khởi. Với 0,15ha đất trồng năn của gia đình, mỗi ngày thu hoạch 70 - 80kg, bán lẻ với giá 15.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm trước giá năng giảm từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Khác với cây trồng khác, mùa mưa là mùa thuận giúp cây năn sinh trưởng nhanh, chi phí đầu tư phân bón, điện ít so với mùa mùa nghịch (mùa khô) nên lợi nhuận khá. Bình quân 0,1ha đất trồng năn, tổng thu nhập 54 triệu đồng, lợi nhuận 45 - 50 triệu đồng/vụ.
    Theo ông Mai Chí Cường, cán bộ nông nghiệp xã Mỹ Long Nam, so với trước đây, hiện nay cây năn có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ nhanh. Trồng năn tuy vất vả nhưng có nguồn thu nhập ổn định liên tục 03 tháng, tổng thu nhập trong cả vụ năn từ 50 - 54 triệu đồng. Từ khi mô hình trồng năn đi vào hoạt động được rất nhiều hội viên đoàn thể ấp Nhứt B tham gia và mang hiệu quả mang lại rất cao khi mùa mưa đến. Không chỉ vậy, mô hình này đã trở thành mô hình điểm có giá trị kinh tế cao của hội viên phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân ấp đã góp phần kéo giảm hộ nghèo xuống còn 05 hộ.
Nhờ hiệu quả mang lại từ nguồn thu nhập ổn định hàng ngày nên người dân trong ấp mở rộng diện tích bình quân từ 04 - 05ha/năm. Từ đó, người trồng năn ở ấp Nhứt B có nguồn thu nhập ổn định hơn, vươn lên khá giàu./.

                                                                                                                         Ngọc Hân
Giới thiệu doanh nghiệp
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online:
  • Hôm nay:
  • Trong tuần: 151
  • Tất cả: 352833