Nhà vườn trong tỉnh: TÍN HIỆU VUI TỪ MÔ HÌNH “LỢI NHUẬN KÉP”
Là nhà vườn “kỳ cựu” trong tỉnh, chắc chắn sẽ không quên vào giai đoạn từ 1990 - 2000, phong trào trồng ca cao trên địa bàn tỉnh rầm rộ. Thời điểm ấy, nhiều nhà vườn ở huyện Càng Long, Châu Thành và Tiểu Cần... sở hữu hàng trăm cây ca cao/hộ, cá biệt có những hộ có hàng ngàn cây. Tuy nhiên, phong trào chỉ đạt ở mức: Khi ca cao cho trái rộ, lúc đầu có đại lý thu mua, nhưng giá rất rẻ, sau đó giảm dần đến mức nhà vườn không có lợi nhuận, nên không đầu tư, chăm sóc. Số ca cao có trái nhiều, vàng cây... nếu ở trước sân, hoặc gần nhà ở, thì nhà vườn để “làm kiểng” cho đẹp. Số còn lại, phần lớn đốn bỏ, chỉ còn lại dừa... Và, từ đó, chuyện “lợi nhuận kép” từ mô hình ca cao xen dừa cũng dần xao lãng.

Người nhà của ông Nguyễn Văn Thuận, ấp Phú Đức II, xã Bình Phú, huyện Càng Long chăm sóc ca cao đang cho trái.

    Từ năm 2012 đến nay, một số nhà vườn ở các huyện có trọng điểm dừa bắt đầu chú ý trở lại việc trồng ca cao xen dừa, nhằm tạo thêm thu nhập. Tuy không thành phong trào, song người dân hưởng ứng khá mạnh. Nguyên nhân chính, do có đại lý thu mua trở lại, cộng với giá dừa trái biến động, sụt giảm, nên nhà vườn trồng ca cao nhằm bù đắp lại khoảng dừa xuống giá.
    Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), hiện nay tỉnh có khoảng 100ha ca cao được trồng xen với dừa. Tập trung chủ yếu ở những huyện có thế mạnh về dừa. Gần đây, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhà vườn cải tạo vườn dừa, nâng cao chất lượng sản phẩm dừa, giữ vững và từng bước nhân rộng diện tích dừa. Đây cũng là lợi thế giúp nhà vườn có điều kiện phát triển mô hình trồng ca cao xen dừa, từng bước tạo “lợi nhuận kép”. Tại huyện Càng Long, nhiều xã có diện tích ca cao trồng xen dừa như: Bình Phú, Đại Phúc, Đại Phước, Mỹ Cẩm... Do mang lại “lợi ích kép”, nên diện tích ca cao trong vòng 05 năm qua phát triển theo hướng “năm sau cao hơn năm trước”. Tuy các vườn ca cao trong tỉnh hiện nay không sánh được với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao khác như: cam, quýt, bưởi... nhưng có lợi thể là trồng xen, nên hiệu quả kinh tế khả quan. Trái ca cao tuy chưa được bao tiêu, nhưng hiện nay, gần như ở địa phương nào cũng có cơ sở thu mua; nếu như năm 2016, giá ca cáo trái từ 3.000 - 3.200 đồng/kg, thì năm 2017, là 4.000 đồng/kg; hiện nay, ca cao đạt 02 trái/kg, giá từ 5.000-5.500 đồng/kg. Điều này đang kích thích nhà vườn tiếp tục mở rộng diện tích.
Thông tin từ sở NN-PTNT, toàn tỉnh có khoảng 20.000ha dừa. Trong đó, có khoảng 50% có thể trồng cao cao xen. Bình quân nhà vườn trồng từ 240-250 cây dừa/ha, nếu trồng ca cao xen, sẽ có từ 3.500-4.000 cây/ha. Hiện nay, do giá dừa trái dao động từ 27.000 - 30.000 đồng/chục (12 trái), nên thu nhập từ trồng dừa bình quân từ 30 - 32 triệu đồng/ha/năm. Nếu trồng xen ca cao cùng diện tích và giá ca cao 5.000 đông/kg, thu nhập thêm khoảng 13 - 25 triệu đồng/ha/năm từ ca cao. Như vậy, nhà vườn thu nhập từ 02 loại, khoảng 45 triệu đồng/ha/năm.  
    Ông Nguyễn Văn Thuận, ngụ ấp Phú Đức II, xã Bình Phú, huyện Càng Long cho biết, ông có gần 0,5ha ca cao trồng xen dừa. Những năm trước, cứ 10 ngày thu hoạch ca cao/lần, vô bao chỡ gần 10km (đến chợ Dừa Đỏ, xã Nhị Long để bán) vừa nặng nề, vừa bất tiện. Gần đây, đại lý thu mua yêu cầu bỏ vỏ, thu mua hạt, nên nhẹ nhàng hơn. Và, ông rất vui mừng, từ đầu năm 2019 đến nay, ông Huỳnh Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH CACAO MEKONG đã đến tận nhà mua trái, tư vấn cách chăm sóc, mở rộng diện tích, nhà vườn ở đây ai cũng phấn khởi.
    Qua tìm hiểu thực tế, những hộ trồng ca cao xen dừa đều đánh giá cao về hiệu quả kinh tế. Bởi tiện lợi và không tốn nhiều chi phí, công lao động, chỉ tốn chi phí chăm sóc trên cùng diện tích, nhưng lại thu nhập 02 loại trái. Vấn đề hiện nay đang được nhà vườn trồng cây ca cao xen dừa trên địa bàn tỉnh quan tâm, đó là đầu ra của sản phẩm. Đây là cốt lõi của sự “sống còn” khi mô hình trồng ca cao xen dừa bắt đầu “nhen nhóm” trở lại.
    Cây ca cao đã từng một thời bén rễ xanh tốt trên vùng đất Trà Vinh vào những năm 1990-2000, nhưng cuối cùng đến lúc thu hoạch thì lại thất bại do giá bấp bênh, không tiêu thụ được, cây đang cho trái bị nông dân đốn bỏ. Nhưng, hiện nay, đầu ra và giá ca cao đã có hướng đi mới. Tại kỳ gặp gỡ doanh nghiệp tháng 3/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Lâm, đã tiếp ông Huỳnh Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH CACAO MEKONG (tọa lạc tại tuyến Quốc lộ 60, ấp Trà Nóc, Xã Song Lộc, Huyện Châu Thành). Tại đây, ông Huỳnh Văn Hoàng chia sẻ: Sau khi nhà máy hoạt động, Công ty đã tổ chức hệ thống vệ tinh để thu mua ca cao trái trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu không đủ đáp ứng, hiện nay Công ty phải mua từ Long An và các tỉnh lận cận khác. 
    Ông Huỳnh Văn Hoàng cho biết thêm: Hiện nay, Công ty thu mua ca cao đạt giá 5.500 đồng/kg. Để Công ty hoạt động bền vững, tăng công suất sản xuất, đáp ứng như cầu xuất khẩu (vì sản phẩm đầu ra hiện nay không đủ đáp ứng), ông Huỳnh Văn Hoàng kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh có chính sách phát triển mô hình. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành hữu quan khuyến khích nhà vườn trồng ca cao xen với dừa. Hiện tại, Công ty sẽ dành 0,7ha để triển khai thực hiện mô hình trồng ca cao, từng bước nhân rộng, Công ty sẽ ương dưỡng cây ca cao giống để chuyển giao cho nông dân, sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, để nông dân có thêm thu nhập.
    Về kiến nghị của Giám đốc Công ty TNHH CACAO MEKONG, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Lâm ghi nhận. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn Công ty TNHH CACAO MEKONG sớm xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nguyên liệu, nhất là đối với các huyện vùng trọng điểm dừa của tỉnh.


Bài, ảnh: TRƯỜNG HIẾU
Giới thiệu doanh nghiệp
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 23
  • Trong tuần: 153
  • Tất cả: 352830