Hội Nông dân xã Thuận Hòa: ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU SẢN XUẤT, KINH DOANH
Năm năm qua, nông dân xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi gắn với XDNTM. Qua đó xuất hiện những gương điển hình, sáng tạo trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, kinh doanh.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Hòa thăm cánh đồng lúa của nông dân Kim Thành Thuận (phải), ấp Sóc Chùa.

Tăng thu nhập từ chuyển đổi trồng lúa ST24

Xác định tái cơ cấu nông nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong phát triển kinh tế. 05 năm qua, Hội Nông dân xã phối hợp với các ngành liên quan tích cực phát huy vai trò chủ thể của nông dân bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động nông dân thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng tiểu vùng. Đồng thời hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất từng bước xây dựng các mô hình tiêu biểu trong trồng trọt và chăn nuôi hiệu quả và nhân rộng như: mô hình nuôi tôm ấp Rạch; nuôi bò sinh sản, trồng ớt chỉ thiên ở ấp Trà Kim;… Đặc biệt gần đây nông dân trong xã tự phát chuyển đổi từ sản xuất giống lúa truyền thống sang trồng lúa giống ST24, ST25 từ vài ha, nay đã nâng lên hơn 10ha đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nông dân Kim Thành Thuận, ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa là một trong những hộ dân tiên phong thực hiện chuyển đổi từ sản xuất lúa truyền thống sang trồng lúa thương phẩm ST24 trong 02 năm qua mang lại hiệu quả cao, góp phần cải thiện thu nhập. Ông Thuận cho biết: là địa phương có thế mạnh sản xuất 02 vụ lúa/năm. Để cải thiện năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng lợi nhuận. 02 năm trước, ông mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất lúa truyền thống như giống OM18, siêu Hàm Trâu, Cửu Long sang trồng lúa ST24 trên diện tích 0,3ha. So với các giống lúa khác, giống lúa ST24 giá luôn ổn định và có thể tăng cao. Tuy có sụt giảm nhưng chỉ giảm nhẹ từ 100 - 200 đồng/kg, còn các giống lúa khác giảm từ 500 - 1.000 đồng/kg. Ngoài sản xuất lúa ST24, có vụ ông trồng lúa ST25. Sau quá trình canh tác, ông nhận thấy giống lúa ST24, ST25 đạt năng suất và lợi nhuận tương đương nhau. Tuy nhiên về mức độ thiệt hại thì giống lúa ST24 ít rủi ro hơn và phù hợp với điều kiện đất đai của gia đình. Do vùng đất trũng, rễ của lúa ST24 có khả năng chịu phèn hơn, còn thân và rễ của giống ST25 dễ đổ ngã, khả năng chịu phèn kém. Với 1,8ha lúa giống ST24 vụ này, năng suất ước đạt 5,5 tấn/ha, giá bán 7.100 đồng/kg, lợi nhuận đạt hơn 20 triệu đồng/ha.

Vận động phát triển kinh tế hợp tác

Làng nghề sản xuất hủ tiếu truyền thống ở ấp Nô Công, xã Thuận Hòa đã tồn tại trên 100 năm. Nhằm lưu giữ nghề truyền thống này và đưa sản phẩm hủ tiếu hướng tới thị trường xuất khẩu. Hội viên Nông dân Hồ Minh Cường, ấp Nô Công đã mạnh dạn cải tiến trong quy trình sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh.

Hơn nữa sản phẩm hủ tiếu của ông Cường được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Với kết quả đó, ông Cường không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời vận động những hộ dân làm nghề hủ tiếu tham gia phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã. Từ đó, hợp tác xã hủ tiếu Nô Công ra đời do ông Cường làm Chủ nhiệm Hợp tác xã và đi vào hoạt động từ cuối năm 2022, hứa hẹn bước ngoặt mới cho những người làm nghề hủ tiếu.

Ông Cường cho biết: hợp tác xã hoạt động với 10 thành viên, tổng vốn điều lệ 300 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 42 lao động. Hiện sản phẩm hủ tiếu của hợp tác xã tiêu thụ thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 28 tấn hủ tiếu/tuần, giá bán từ 18.000 - 20.000 đồng/kg. Hiện nay do thiếu kho bãi và sân phơi nên số lượng hủ tiếu làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Phần lớn hiện nay các thành viên hợp tác xã tự sản xuất và tự tiêu thụ sỉ và lẻ. Để hợp tác xã hoạt động ngày càng hiệu quả, mong các ngành và địa phương quan tâm tạo điều kiện về mặt bằng sân phơi và kho chứa nguyên liệu (bột, gạo) giúp hợp tác xã giảm chi phí sản xuất, đáp ứng những đơn hàng lớn trong nước và hướng tới thị trường xuất khẩu, góp phần tăng lợi nhuận, giải quyết việc làm nhiều lao động nông thôn. Theo ông Cường, hàng ngày gia đình ông sản xuất 600kg gạo, bột tương đương với 600 - 700kg hủ tiếu, lợi nhuận từ 600.000 - 700.000 đồng/ngày, giải quyết lao động hơn 10 người, thu nhập từ 03 - 06 triệu đồng/tháng.

Đồng chí Trần Quốc Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Hòa cho biết: nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo và động lực trong hội viên nông dân, hàng năm Hội tổ chức phát động phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Kết quả có 1.194 hộ nông dân đạt chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Qua phát động các chi hội đã đảm nhận và giúp 70 hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, đạt 100% chỉ tiêu. Đến nay, toàn xã không còn hội viên nông dân nghèo. Nhiệm kỳ tới, Hội tiếp tục củng cố, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Tập trung tuyên truyền vận động nông dân phát triển nông, ngư nghiệp phù hợp với tiềm năng và lợi thế của địa phương. Chuyển đổi sản xuất các loại cây có hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo chất lượng cạnh tranh thị trường. Hướng dẫn hội viên đầu tư sản xuất kinh doanh theo loại hình kinh tế hợp tác, phát huy các mô hình dân vận khéo; xây dựng và nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả. Phấn đấu phát động nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đạt 80% so với hộ nông nghiệp. Tăng cường vai trò chủ thể trong XDNTM; huy động các nguồn lực cùng chính quyền xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng phục vụ dân sinh.

Lao động của gia đình nông dân Hồ Minh Cường, ấp Nô Công thực hiện công đoạn cắt hủ tiếu.

Bài, ảnh: Kim Ngân

Giới thiệu doanh nghiệp
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 23
  • Trong tuần: 153
  • Tất cả: 352830