Hội Nông dân xã Phương Thạnh: Nông dân đưa khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất
Chủ động, tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường... đó là “tác phong lao dộng” của nông dân hiện nay. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều nông dân đổi mới cách làm, mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp thông minh, tập trung hàng hóa bền vững, với quy mô lớn, an toàn từng bước xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm vươn xa, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế nông sản…

Ông Nguyễn Hoàng Sơn kiểm tra các béc tưới trước khi vận hành hệ thống tưới hẹ.

Nông dân Nguyễn Hoàng Sơn, trồng hẹ tiết kiệm điện, nước

“Không còn quá vất vả như trước đây, việc trồng màu ngày nay đã nhàn nhã hơn nhiều từ kỹ thuật tưới phun hiện đại và tiện ích. Nhờ đó, không những năng suất, sản lượng màu tăng mà còn tạo lợi nhuận do giảm chi phí nhân công, lao động; tiết kiệm điện, nước. Phương pháp này, hiện có nhiều nông dân xã Phương Thạnh, huyện Càng Long áp dụng hiệu quả. Trong đó, có mô hình trồng hẹ của ông Nguyễn Hoàng Sơn”. Đồng chí Nguyễn Văn Vũ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phương Thạnh, huyện Càng Long chia sẻ.

Ông Nguyễn Hoàng Sơn, ngụ ấp Nguyệt Trường, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long là một trong những nông dân tiên phong áp dụng hệ thống tưới phun trong trồng màu. Ông Sơn có 1.500m2 đất nông nghiệp chuyên sản xuất màu. Trước đây, ông cũng tưới màu theo phương pháp truyền thống: từ đôi thùng vòi, gánh trên vai, đến sử dụng ống mềm, kéo lê trên mặt ruộng để tưới. Khoảng 05 năm qua, nhờ Hội Nông dân tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nên ông áp dụng phương pháp này.

Ông Sơn cho biết, mặt luống để trồng màu 01m, luống cách luống 0,4m, cao 0,3m. Hệ thống ống có gắn béc phun được lắp đặt 01 luống, bỏ 01 luống; ống được đặt ngay giữa luống, khoảng cách giữa 02 ống phun cách nhau từ 02 - 2,5m, đảm bảo khi tưới, nước phun giáp nhau, để hẹ được nhận nước tưới đều. Phương pháp này cung cấp nguồn nước tưới cho cây hẹ (hoặc một số cây màu ăn lá khác) không bị úng, do đạt nhiều ưu điểm. 

Ông Sơn đầu tư hệ thống tưới phun ban đầu khoảng 05 triệu đồng/1.500m2, nhưng sử dụng từ 06-07 năm. Đối với cây hẹ, trồng lần đầu, đến 60 ngày sẽ thu hoạch. Sau đó, cứ từ 30-32 ngày là thu hoạch 01 lần, sản lượng đạt 1,150 tấn/1.500m2; giá hẹ phổ biến khoảng 15.000 đồng/kg (sau khi phân loại úng), ông Sơn có tổng thu nhập hơn 17 triệu đồng/vụ/1.500m2, lợi nhuận hơn 10 triệu đồng.

Nói về những tiện ích và hiệu quả, ông Sơn phân tích: phương pháp này vừa tiết kiệm điện, tiết kiệm nước. Ấp Nguyệt Trường, xã Phương Thạnh nơi có nước ngọt quanh năm. Những năm qua, chính quyền và Nhân dân tập trung nạo vét kênh, nên việc trồng màu của người dân chủ động nguồn nước. Với 1.500m2, ông sử dụng 01 máy bơm 1,5CV; lắp đặt hệ thống ống cấp (phi loại lớn) dọc theo đầu các luống trồng hẹ, gắn 03 khóa ống, để khi thực hiện tưới, chủ động đóng, mở các van ở từng luống tưới…

Người trồng hẹ cần kinh nghiệm về thời gian tưới, nguồn nước tưới… vì có liên quan đến năng suất, sản lượng, đặc biệt là chi phí điện năng trong thời gian trồng hẹ ở mỗi vụ. Do vậy, tính toán độ ẩm, thời tiết, tuổi của hẹ, nhu cầu nước để hẹ sinh trưởng tốt… là kinh nghiệm quan trọng của nông dân; tưới ít, điện năng tiêu thụ ít, lợi nhuận cao. Phương pháp này tiết kiệm nước, nhờ hệ thống béc tưới phun; tạo thành những giọt nhỏ, phân tán xung quanh đều, giúp cây trồng có điều kiện phát triển tốt hơn, bộ rễ mọc đều xung quanh, hút nhiều dinh dưỡng và giúp hẹ đứng vững, không đổ ngã như phương pháp tưới truyền thống.

 Khi tưới, chỉ cần vài động tác đơn giản, sẽ thực hiện hoàn tất các khâu cần thiết để tưới, hiệu quả kinh tế rõ ràng. Tuy nhiên, tưới tiết kiệm nước có mức đầu tư ban đầu lớn, thường là vượt quá khả năng kinh tế của nông dân; phương pháp này đã mang lại hiệu quả thiết thực về nhiều mặt, tăng năng suất cây trồng và giảm bớt nhân công lao động. Rõ nhất là: chi phí điện năng vừa tiêu thụ trong sinh hoạt và vừa trồng màu của ông Sơn từ 420.000-450.000 đồng/tháng/tưới thủ công trước đây, nay bình quân 300.000 đồng/tháng/ tưới phun.

 ng Nguyễn Văn Dễ: Hiệu quả với mô hình sản xuất khép kín

Ông Nguyễn Văn Dễ, (ngụ ấp Phú Hòa, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long) là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Phú Hòa, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long; đồng thời, là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện 03 năm liên tục (2020-2022). Ông đã thành công với mô hình nuôi - trồng khép kín, thu nhập bình quân từ 120-130 triệu đồng/năm. 

Ông Nguyễn Văn Dễ có 1,2ha đất sản xuất nông nghiệp. Năm 2017, ông Dễ bắt đầu nuôi bò sinh sản. Từ đó, ông dành gần 01ha để trồng cỏ để nuôi bò; hiện đàn bò của ông 18 con (10 con bò nái và 08 con nghé); 0,2ha đất còn lại, ông sản xuất chuyên màu.

 Để áp dụng mô hình sản xuất khép kín hiệu quả, ông sử dụng phân bò ủ hoai để trồng màu; để màu có giá, tránh tình trạng màu bị dội chợ, ông trồng nhiều loại màu khác nhau. Khi thu hoạch màu, ông mua thêm một số thức ăn dinh dưỡng để vỗ béo đàn bò. Bình quân mỗi năm, ông bán từ 08-10 con bò nghé, thu nhập trên 100 triệu đồng; 0,2ha ông trồng màu luân phiên vụ, nhờ ít sử dụng phân hóa học, chủ yếu là phân bò ủ hoai sẵn có, nên giảm chi phí, tổng thu nhập màu bình quân từ 20-30 triệu đồng/năm.

Theo ông Dễ, mô hình khép kín của ông ngoài tiết kiệm điện trong quá trình bơm nước tưới cho màu, thì khâu tấm, dội chuồng bò 02 lần/ngày để thông thoáng, đàn bỏ không bệnh, thì tiêu thụ điện năng nhiều. Do vậy, ông lắp đặt mô - tưa công suất 01CV, phù hợp với nhu cầu nước khi bơm; sử dụng ống tưới loại mềm, dẻo để khi phun nước tắm cho bò, dội nước vệ sinh chuồng bò, giọt nước mạnh, rút ngắn thời gian, tiết kiệm điện.

Mô hình nuôi - trồng khép kín của ông Dễ thiết kế chuồng trại giúp giảm thời gian tắm, vệ sinh chuồng bò là khâu quyết định đến tiết kiệm điện. Chuồng trại nuôi bò của ông Dễ đảm bảo yếu tố: “đông ấm, hè mát”, nền chuồng nghiêng về một hướng, không trơn trượt, diện tích bình quân 05m2/con; thuận tiện cho việc quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng.

Việc nông dân tiếp cận khoa học công nghệ vào sản xuất, nhằm phát triển kinh tế bền vững từ tiềm năng, thế mạnh, phù hợp với nhu cầu thị trường là hướng mở triển vọng, xu hướng tất yếu của nông nghiệp hiện đại, góp phần quan trọng trong việc đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, có khả năng cạnh tranh cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, tác động đến XDNTM góp phần nâng cao đời sống người dân. Đặc biệt, càng có ý nghĩa đến phòng trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Ông Nguyễn Văn Dễ chăm sóc đàn bò.

Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

Giới thiệu doanh nghiệp
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 2
  • Trong tuần: 153
  • Tất cả: 352835