Hội Nông dân huyện Châu Thành: Phát huy vai trò Hội trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập
Trong nhiệm kỳ 2018-2023, công tác Hội và phong trào nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành đã có sự chuyển biến về nhiều mặt. Đặc biệt là các hoạt động tuyên truyền, triển khai thực hiện các chủ chương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; xây dựng kinh tế tập thể gắn với việc hỗ trợ, giúp hội viên phát triển sản xuất; xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh…

Mô hình dưa lưới của Huỳnh Sa Rây phó chủ tịch HND xã Lương Hòa A

* Nhiều hội viên dân tộc Khmer được tiếp cận vốn, phát triển kinh tế…

Đồng chí Võ Văn Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành cho biết: bên cạnh xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh; Ban Thường vụ Hội luôn quan tâm đến chăm lo, phát triển kinh tế cho hội viên và nông dân, đặc biệt là hội viên và nông dân người dân tộc Khmer. Nhiều nguồn vốn được Hội triển khai, đầu tư và tập huấn, xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả đến với hội viên… Nhìn chung qua 05 năm (2018-2023), đời sống của hội viên và nông dân là người dân tộc Khmer có bước chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo kéo giảm trên 90-95% so với nhiệm kỳ 2013-2018.

Hội Nông dân huyện Châu Thành hiện có trên 20.800 hội viên sinh hoạt ở hoạt ở 14 cơ sở hội. Hội Nông dân các cấp trong huyện đã chủ động phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện… tạo điều kiện cho hội viên sớm tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất, tổng dư nợ 136,580 tỷ đồng (tăng 38,303 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ), có 5.525 hộ vay vốn. Vận động thành lập được 52 tổ hùn vốn xoay vòng giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, có 876 thành viên, số tiền 1,14 tỷ đồng.

Điển hình như tại ấp Ba Tiêu (xã Đa Lộc, huyện Châu Thành), đồng bào Khmer chiếm trên 97%, chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Thông qua nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội đã đầu tư trên 02 tỷ đồng cho hội viên và nông dân trong ấp vay sản xuất, kinh doanh. Đến cuối năm 2022, số hộ nghèo của ấp giảm, còn dưới 01% (hiện còn 04 hộ nghèo). Hội viên Thạch Thị Sa Mươn, ấp Ba Tiêu chia sẻ: gia đình trước đây thuộc hộ nghèo, sau khi được Hội Nông dân hỗ trợ nguồn vốn vay ủy thác với số tiền 50 triệu đồng để mua 02 con bò sinh sản và làm chuồng nuôi. Sau gần 03 năm, đến nay gia đình phát triển đàn bò được 05 con và đã thoát nghèo 2021. Căn nhà tạm bợ trước đây đã được gia đình xây dựng lại khang trang từ số vốn tiết kiệm và hỗ trợ của Nhà nước.

Ngoài ra, Hội còn liên kết với các ngân hàng khác trên địa bàn huyện giải ngân số tiền 11,8 tỷ đồng cho 3.588 hội viên vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Quỹ Hỗ trợ nông dân còn đầu tư 30 dự án cho 365 hội viên vay, với số tiền trên 2,3 tỷ đồng.

*… phát triển kinh tế tập thể gắn với xây dựng tổ chức Hội

Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện Châu thành đang thực sự là cầu nối, là nòng cốt trong việc giúp hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Không chỉ nâng cao đời sống cho hội viên, mà các phong trào của Hội đã góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường; xây dựng quê hương Châu Thành ngày càng văn minh, giàu đẹp và xây dựng thành công huyện đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2021.

Cùng với đó, các chương trình, dự án để phát triển kinh tế tập thể, các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường cũng được đẩy mạnh. Nhờ đó, trên địa bàn Châu Thành đã dần hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất, nuôi thủy sản như cù lao xã Long Hòa, Hòa Minh (thủy sản-lúa); nuôi dê ở xã Thanh Mỹ, Đa Lộc; trồng rau chuyên canh ở xã Hòa Thuận, Hòa Lợi; phát triển các loại cây ăn trái đặc sản có thế mạnh của địa phương như bưởi da xanh, quýt đường ở xã Lương Hòa, Nguyệt Hóa hay mô hình trồng dưa lưới khép kín trong nhà màng ở xã Lương Hòa A, Lương Hòa, Nguyệt Hóa… đã được cấp chứng chỉ VietGAP, đủ điều kiện an toàn thực phẩm và chứng nhận sản xuất hữu cơ; một số sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường.

Từ mô hình chăn nuôi dê nhỏ lẻ, các hội viên nông dân ở xã Thanh Mỹ đã mạnh dạn liên kết để xây dựng chuỗi chăn nuôi theo hướng kinh tế tập thể, thông qua việc thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi dê. Hiện toàn xã có hơn 20 hộ nuôi dê, với tổng đàn gần 300 con dê. Theo anh Nguyễn Hữu Ý, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi dê Thuận Phát (ấp Nhà Dựa, xã Thanh Mỹ) chia sẻ: nuôi dê khá phù hợp cho nông dân ở đây, vì điều kiện nuôi và nguồn thức ăn khá dồi dào. Đặc biệt là thời gian đầu tư với chu kỳ ngắn (sau 06 tháng) là dê bắt đầu sinh sản (dê con sau 06 tháng nuôi) và người nuôi có nguồn thu nhập nhanh hơn so với nuôi bò (sau gần 01 năm). Hiện nay, giá dê hơi dao động từ 80.000-120.000 đồng/kg, đem lại thu nhập cho người nuôi khoảng 2,5-03 triệu đồng/con dê (sau 06 tháng nuôi).

Trước hiệu quả từ con dê, cũng theo anh Nguyễn Hữu Ý, gia đình hiện nay đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để xây dựng hệ thống chuồng nuôi cơ bản, đáp ứng tốt về phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Với đàn dê hiện có của gia đình gồm 80 con dê sinh sản và 20 con dê thịt và tiếp tục phát triển nhân đàn dê lên 150-200 con. Các thành viên trong Tổ hợp tác đang xúc tiến xây dựng thành lập hợp tác xã nuôi dê theo hướng liên kết về đầu ra đối với dê hơi, dê giống và cung cấp nguồn thức ăn cho người nuôi dê.

Cũng theo đồng chí Võ Văn Thuận, mô hình kinh tế tập thể đang được Hội tập trung chỉ đạo, phát triển, nhân rộng trong nhiệm kỳ 2023-2028, đây là yếu tố giúp hội viên và nông dân đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm; giảm chi phí và nâng cao tính cạnh tranh trong sản xuất… Trên cơ sở đó, các cơ sở Hội sẽ gắn với việc thành lập và phát triển Chi, tổ hội nghề nghiệp có cùng ngành nghề; tổ hợp tác để tập hợp hội viên vào Hội.

Mô hình chăn nuôi bò được Quỹ hỗ trợ nông dân đầu tư cho hội viên xã Mỹ Chánh

Anh Nguyễn Hữu Ý bên mô hình trang trại nuôi dê khép kín của gia đình. 

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Giới thiệu doanh nghiệp
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 20
  • Trong tuần: 171
  • Tất cả: 352853