HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH “LẤY NGẮN NUÔI DÀI” TRONG NUÔI RẮN RI VOI
Giá trị kinh tế từ rắn ri voi mang lại khá lớn, hiện nay dao động từ 750.000-800.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do thời gian nuôi rắn ri voi để vào cở (từ 01kg/con trở lên) phải mất từ 16-18 tháng. Để thu được hiệu quả kinh tế trong thời gian dài khi nuôi rắn, mô hình “lấy ngắn nuôi dài” của nông dân Dương Văn Hùng, ấp Ngãi Nhì, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè đã phát huy hiệu quả và mang lại thu nhập khá cao, vừa đảm bảo nguồn thu nhập trang trãi cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, vừa tích lũy để nuôi rắn ri voi…

Ông Dương Văn Hùng với mô hình nuôi rắn ri voi kết hợp “lấy ngắn nuôi dài”

    Với diện tích đất canh tác của gia đình chỉ khoảng 4.000m2, được nông dân Dương Văn Hùng chuyển đổi trồng mít Changgai xen trong vườn dừa. Ngoài ra, ông còn dành ra khoảng 500m2 để xây mô hình nuôi rắn ri voi “lấy ngắn nuôi dài”, qua đó, hàng năm từ mô hình trên cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Phân tích với chúng tôi về mô hình nuôi rắn kết hợp theo hình thức “lấy ngắn nuôi dài”, nông dân Dương Văn Hùng, cho biết: Sau gần 02 năm nguồn thu từ 150 con rắn ri voi, bình quân đạt trọng lượng 01-1,2kg/con sẽ có ngay trong tay 150 triệu đồng. Tuy nhiên, trong suốt thời gian gần 02 năm phải làm sao có thu nhập vừa cho cuộc sống gia đình vừa tạo ra nguồn thức ăn cho rắn (mặc dù chi phí thức ăn cho rắn không nhiều, khoảng 13.000-15.000 đồng/lần ăn x 02 lần/tuần); vì vậy, bản thân nghĩ ra mô hình trên thì nuôi cúc, phía dưới đào ao thả nuôi cá trê để tận dụng nguồn phân cúc thải ra. Nguồn cá trê giống được nuôi theo từng đợt, nhằm đảm bảo kích cở cá trê không quá lớn để làm thức ăn cho rắn ri voi…
    Được biết, hiện gia đình ông Dương Văn Hùng thực hiện nuôi gần 1.000 con cúc (chia thành 03 chuồng nuôi); chi phí để nuôi đàn cúc trên, mỗi ngày khoảng 80.000 đồng. Sau 45 ngày nuôi, cúc bắt đầu cho trứng và hàng ngày số cúc đẻ đạt khoảng 80-90%/tổng đàn. Ông Hùng cho biết: Với giá bán trứng cúc hiện nay 5.000 đồng/chục (10 trứng), thu vào trên 400.000 đồng/ngày, trừ chi phí thức ăn của cúc, gia đình thu vào hơn 300.000 đồng/ngày. Lượng phân cúc thải ra được đưa xuống ao nuôi cá trê. Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, việc thiếu hụt sản lượng thịt heo trong thời gian tới là rất lớn, gia đình cũng đang hướng đến kết hợp thêm nuôi gà thả vườn để tăng thêm giá trị kinh tế trên cùng diện tích.
    Nói về hiệu quả của mô hình nuôi rắn ri voi “lấy ngắn nuôi dài”, ông Huỳnh Võ Trường An, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Ngãi cho biết: Hiện mô hình của nông dân Dương Văn Hùng đang được Hội học tập và sẽ triển khai, nhận rộng cho các hội viên áp dụng vào sản xuất của gia đình. Hiệu quả kinh tế mang lại khá cao và chi phí đầu tư cũng không quá lớn so với khả năng của nông dân, đặc biệt là hộ không có điều kiện đất canh tác nhiều. Về đầu ra của rắn ri voi thương phẩm nếu phát triển nuôi số lượng lớn, phía thương lái ở Tiền Giang sẽ đến thu mua tận nhà.

                                                                                                               Hữu Huệ
Giới thiệu doanh nghiệp
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 23
  • Trong tuần: 153
  • Tất cả: 352830