Gương nông dân sản xuất giỏi Bùi Minh Nàng VỚI MÔ HÌNH TRỒNG HOA LAN
Ông Bùi Minh Nàng, ngụ ấp Vĩnh Yên, xã Long Đức, Thành Phố Trà Vinh  là gương nông dân sản xuất giỏi của xã, có diện tích trên 1.500m² đất trồng lan, khoảng 3.000 chậu các loại như: Ngọc điểm, Mokara, hồ điệp, đen-rô và các loại lan rừng (Long Tu Xuân, Hạt vĩ, Hoàng Lạp, Vảy rồng…). Ngoài ra, ông còn trồng thêm 1.500 chậu hoa giấy để bán vào dịp tết Nguyên đán hàng năm.

Mô hình trồng hoa lan của Ông Bùi Minh Nàng

ấp Vĩnh Yên, xã Long Đức, Thành Phố Trà Vinh

Theo ông Nàng, điều kiện, khí hậu của địa phương khá phù hợp với việc trồng lan, vì vậy sau khi tìm hiểu từ bạn bè và sách báo ông đã quyết định đầu tư trồng hoa lan. Nhận thấy nhu cầu người chơi lan trên địa bàn Thành Phố Trà Vinh và các địa phương lân cận khá lớn nên bắt đầu mở rộng diện tích và đầu tư nhập về nhiều loại hoa lan hơn. Với niềm đam mê cây cảnh, chịu khó tìm hiểu và học hỏi để áp dụng thành công. Sau nhiều năm làm giàu từ trồng cây cảnh, cách đây khoảng 5 năm ông quyết định đầu tư 700 triệu đồng cho mô hình trồng lan. Vườn lan hơn 1.500m² đất do một tay ông chăm sóc được chia thành từng khu cho các loại rất đẹp mắt. Chúng tôi đến khi ông đang chăm sóc lan mới thấy nghề trồng lan “cũng lắm công phu”. Theo ông thì trồng lan hay cây cảnh thì đều cần có sự tỉ mỉ, yêu thương, coi đó là “đứa con tinh thần” của mình. Mỗi loại lan lại mang một đặc tính khác nhau, nên ông phải tìm hiểu kỷ đặc tính của từng loại lan để có cách chăm sóc riêng, như vậy lan mới cho hoa đúng thời điểm, đúng các dịp lễ, tết, thì người trồng phải áp dụng các quy trình kỹ thuật một cách khoa học, hoa lan nếu được chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật thì nó sẽ “trả công” bằng những chùm hoa to, đẹp, thơm ngát... Ông cho biết thêm: Cách chăm sóc lan của riêng mình (Sáng tưới sớm trước khi trời nắng hoặc lúc chiều mát, một tuần xịt phân bón lá 1 lần hoặc rải phân thông minh tan chậm, có những loại để ngoài nắng trực tiếp, có loại phải che lưới giảm nắng từ 50 đến 70%).

Thời gian đầu, việc trồng lan gặp không ít khó khăn, nhưng quyết tâm gắn bó với nghề không làm ông chùn bước. Ông được Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh đầu tư hỗ trợ vốn vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn dự án “Trồng hoa kiểng” để mở rộng mô hình trồng lan của mình. Đồng thời, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn trồng trọt do Hội Nông dân xã kết hợp tổ chức, ngoài ra ông còn tham khảo, học hỏi kinh nghiệm trên báo, đài và từ những người có kinh nghiệm để áp dụng vào vườn lan của mình. Nhờ chịu khó tìm hiểu và thử nghiệm các phương pháp tiên tiến, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm nên vườn lan củaông ngày càng phát triển tốt.Nhận thấy đất và khí hậu thích hợp để các loại lan phát triển, hiện tại với 1.500m² đất, vườn lan của ông được đầu tư khoảng 3.000 chậu lan các loại.

Một trong những điều không thể thiếu của người “chơi” lan là kỹ năng quan sát của người trồng phải luôn theo dõi xem lan có bị bệnh gì không, cây bị thiếu gì để kịp thời có biện pháp bổ sung và chăm sóc đúng cách. Các loại lan đa phần được ông lấy từ nhiều nguồn khác nhau để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Không chỉ cung cấp các loại hoa lan, ông mong muốn cắt ghép để tạo ra những giống lan khác, lạ để cung cấp cho thị trường, với mỗi loại lan khác nhau lại cần sự chăm sóc khác nhau.Các giò lan được ông khéo léo sắp xếp theo từng tầng, từng hàng rất đẹp mắt. Vườn lan của ông chủ yếu là lan đen-rô. Nói về lý do lựa chọn loại lan này ông giải thích: “đen-rô là loại lan dễ trồng, dễ chăm sóc, được khách hàng ưa chuộng, giá bán phải chăng, đóng thành chậu lớn bán có giá cao hơn”…

Hiện nay, phong trào “chơi” hoa lan phát triển mạnh mẽ. Số người “chơi” hoa lan ngày càng nhiều, kiểu “chơi” cũng rất phong phú. Nhiều người thích những giò lan “khủng”, số khác lại mê các giống lan cổ, nhiều người lại ưa loại lan đột biến gen, lan nhập từ nước ngoài… Nắm bắt được nhu cầu đa dạng của người “chơi”, ông đã nghiên cứu và xây dựng vườn lan với quy mô lớn, đa dạng chủng loại. Bản thân ông không ngừng học hỏi và nhập về những giống lan mới để thay đổi và cung cấp theo thị hiếu của khách hàng. Vườn lan của ông chậu có giá cao nhất trên 3,5 triệu đồng. Ngoài ra, ông cũng đang đầu tư vào trồng lan nghệ thuật, ghép lan với các gốc cây, kết hợp các giống lan có tính thẩm mỹ, mang lại giá trị kinh tế cao. Với quy mô trồng lan của ông hàng năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng. Hoa được bán trong tỉnh và xuất bán các tỉnh lân cận như: Sóc Trăng, Bến Tre... Bên cạnh đó, với suy nghĩ “không giấu nghề”, ông Nàng rất tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lan cho những người có cùng đam mê loài hoa này.  

Mô hình trồng hoa lan của ông Nàng bước đầu cho thấy việc định hướng, giúp hội viên nông dân lựa chọn các mô hình sản xuất phù hợp của Hội Nông dân cấp cơ sở đang phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, các mô hình kinh tế khác trên địa bàn xã Long Đức dù mới xây dựng nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân rất khả quan như: mô hình nuôi lươn, nuôi ếch,... Các mô hình này không những góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân ít đất sản xuất mà còn tạo cảnh quang, giảm ô nhiễm môi trường. Và cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với các loại cây trồng khác, nghề trồng hoa lan hiện đã và đang trở thành xu hướng mới trong phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành Phố Trà Vinh, vừa làm cây cảnh trang trí cho ngôi nhà vừa mang lại thu nhập cao cho người trồng; đồng thời góp phần kéo giảm ô nhiễm môi trường, tạo mỹ quan đô thị. Cùng với nhịp độ phát triển đô thị, thì việc lựa chọn phát triển mô hình phù hợp là hướng đi tất yếu hiện nay./.             

            Bùi Thị Tím - CT-HND xã Long Đức

Giới thiệu doanh nghiệp
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 6
  • Trong tuần: 157
  • Tất cả: 352839