Gương hội viên nông dân làm kinh tế giỏi: LÀM GIÀU TỪ CHĂN NUÔI
Dám nghĩ, dám làm, ông Thạch Khoe, sinh năm 1952, ấp Bình Tân, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang, là hội viên nông dân của xã. Ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi 22 con heo sinh sản, heo thịt, bò sinh sản đã giúp gia đình ông vươn lên khá giàu, còn giúp nhiều hộ dân trong ấp liên kết sản xuất thành công mô hình trồng lúa hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nông dân Thạch Khoe chăm sóc vườn cây ăn trái mới trồng thử nghiệm trong thực hiện chuyển đổi gần 02 năm nay với diện tích 2.000m2 chủ yếu bưởi, mít, sa bô, ổi,…

Khởi nghiệp với 1.000m2 đất ở và đất sản xuất, ông Khoe trồng rau màu các loại kết hợp với nuôi heo, bò sinh sản, nuôi vịt đẻ… với ông Khoe, chăn nuôi vào những năm thập niên 1980, đất rộng người thưa nên việc chăn thả bò, vịt trên đồng ruộng khá thuận lợi. Song song đó, vốn đầu tư con giống ban đầu không lớn, chủ yếu công lao động và chăm sóc nhiều. Mỗi năm khi tích lũy được vốn ông đầu tư vào mua đất canh tác lúa, nhờ vậy kinh tế gia đình ngày càng phát triển bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Khi vùng sản xuất lúa ở đây được khoanh vùng, khoanh thửa, việc chăn thả vịt, bò dần thu hẹp, ông đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi bò nhốt chuồng kết hợp nuôi heo thịt, heo sinh sản khoảng hơn 10 con, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận hàng năm trên 50 triệu đồng. Khi tích cóp được vốn ông tiếp tục mua đất canh tác mở rộng diện tích lúa đến nay 3,7ha. Ngoài ra, ông chủ động nguồn rơm rạ dự trữ phục vụ chăn nuôi khá thuận lợi. Trong 3,7ha đất canh tác, hiện nay ông đã trích 1,1ha đất để trồng cỏ nuôi 11 con bò sinh sản, bò thịt kết hợp nuôi 11 con heo thịt và heo sinh sản. Với 03 con heo sinh sản xoay vòng 03 đợt/năm, ông thu lợi nhuận 150 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông xuất bán 02 - 03 con bò với tổng thu nhập 50 - 60 triệu đồng/năm.

Song song đó, điều kiện đất nông nghiệp ở ấp Bình Tân chỉ sản xuất 01 vụ lúa - 01 vụ tôm, do chất lượng giống, kỹ thuật canh tác của người dân còn hạn chế và theo hướng truyền thống nên lúa sản xuất kém hiệu quả. Bên cạnh đó, do chịu sự tác động của biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến sản xuất nên năng xuất thấp, hiệu quả kinh tế không cao, từ đó đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn. Năm 2016, ông Khoe được Hội Nông dân xã tạo điều kiện liên kết với Công ty TNHH nông nghiệp hữu cơ Việt - SUISSE (Thành phố Hồ Chí Minh) hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 0,5ha và bao tiêu sản phẩm. Trong quá trình sản xuất, công ty hỗ trợ 20% chi phí sản xuất và cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ sản xuất lúa hữu cơ, năm 2017, ông Thạch Khoe tiếp tục tăng diện tích sản xuất và vận động các hộ dân trong ấp tham gia sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, có 10 thành viên tham gia sản xuất 15ha và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH nông nghiệp hữu cơ Việt - SUISSE 9.000 đồng/kg, năng suất bình quân 06 tấn/ha, lợi nhuận bình quân 30 triệu đồng/ha, cao hơn hộ sản xuất bình thường 20 - 30%.

Theo ông Khoe, với vai trò Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ ấp Bình Tân, công tác vận động nông dân tham gia vào mô hình còn gặp nhiều khó khăn. Vì tập quán sản xuất của nông dân tự túc không chịu sự ràng buộc khi vào tổ, nhóm. Mặt khác, có một số nông dân khi vào Tổ hợp tác chưa tuân thủ theo quy trình sản xuất nên năng xuất chưa cao và sẵn sàng phá vỡ hợp đồng với doanh nghiệp khi giá sản phẩm bên ngoài cao hơn giá ký kết với doanh nghiệp. Cùng với đó, kết cấu hạ tầng tại địa phương còn hạn chế và thiếu đồng bộ, sản phẩm làm ra từ vùng sâu, phương tiện vận chuyển lớn không đến nơi thu mua được nên dẫn đến khâu vận chuyển gián tiếp, từ đó giá trị sản phẩm bị giảm, người dân giảm lợi nhuận. Chính vì vậy, mỗi khi địa phương phát động phong trào thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế cũng như liên kết sản xuất, ông Khoe luôn tiên phong thực hiện các mô hình phát triển kinh tế và đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút nhiều nông dân tham gia vào tổ hợp tác sản xuất. Đến năm 2018 tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ ấp Bình Tân hoạt động với 25 thành viên tham gia sản xuất 26,5ha, sản lượng đạt 159 tấn, lợi nhuận trên 30 triệu đồng/ha. Trong năm 2019 - 2020, tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ ấp Bình Tân duy trì hoạt động với 23 thành viên tham gia sản xuất lúa hữu cơ 19,5ha. Hơn 05 năm thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ, kinh tế của nông dân ấp Bình Tân ngày càng nâng cao, góp phần trong giảm nghèo tại địa phương. Thời gian tới, Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ tiếp tục ký kết bao tiêu sản phẩm với hợp tác xã nông nghiệp Hiệp Hòa, Trường Đại học Trà Vinh để mở rộng quy mô lên khoảng 50 hộ tham gia sản xuất trên 50ha; đồng thời hỗ trợ nông dân ấp Hòa Lục, Sóc Chuối xây dựng nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả.

Được biết, ông Khoe không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông còn là người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer thực hiện tốt công tác dân vận khéo tuyên truyền, vận động người dân tham gia đóng góp xây dựng các công trình dân sinh, phúc lợi của địa phương. Đặc biệt, ông Khoe còn có 28 năm tuổi nghề “gõ đầu trẻ” phục vụ vì sự nghiệp trồng người tại Trường Tiểu học Hiệp Hòa B. Khi nghỉ hưu, ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội của địa phương và chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Với những thành tích trên, nhiều năm liền ông Khoe đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; có thành tích xuất sắc trong phong trào khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập năm 2017; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư năm 2014; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào thi đua dân vận khéo năm 2019; tiêu biểu qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020.

                              Thanh Nguyên

Giới thiệu doanh nghiệp
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 23
  • Trong tuần: 174
  • Tất cả: 352856