CỘNG ĐỒNG CHUNG TAY GIẢI CỨU CAM SÀNH CHO NHÀ VƯỜN Ở HUYỆN CẦU KÈ
Hiện nay giá cam sành ở huyện Cầu Kè, cũng như trong khu vực hơn một tháng qua liên tục giảm, nhiều vườn cam chín rụng nhưng vẫn không có người mua khiến nông dân trồng cam gặp khó, lỗ nặng.

Vườn cam của ông Nguyễn Văn Mộng, ở ấp 4, xã Thạnh Phú trái đã chín vàng

Được biết vài tháng trước đó giá cam sành ở mức tương đối cao trên 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 đến nay giá cam sành giảm liên tục. Hiện giá cam tại vườn chỉ còn từ 2.000 - 3.000 đ/kg, thậm chí 1.500đ/kg. Có vườn cam chín vàng, trĩu cây nhưng không có người mua, hoặc có mua thì cũng dạng cầm chừng, giá “bèo”, làm cho người trồng thấp thỏm, lo âu. Vì không bán được nhiều nhà vườn đành phải neo trái chờ giá lên, nhưng do tới lứa thu hoạch neo để lâu trái cam chín và dẫn đến rụng, nếu tình trạng này kéo dài xem như vụ cam này nhiều nhà vườn bị lỗ nặng. Trước tình hình trên, trong những ngày qua thông qua một số mạnh thường quân trên địa bàn huyện Cầu Kè, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Vạn Phước ở xã An Phú Tân đã tổ chức thu mua “giải cứu” cam sành đã chín mà thương lái không mua cho một số nhà vườn trồng cam trên địa bàn huyện để tặng cho những công nhân đang làm việc của Công ty trong và ngoài tỉnh. Cụ thể, từ ngày 13/02/2023 đến nay, Công ty đã thu mua trên 100 tấn cam sành, với giá 4.000/kg, đã giúp bà con giải quyết tình trạng bí bách đầu ra, gỡ lại được phần nào chi phí đã bỏ ra.

Ông Nguyễn Văn Mộng, ở ấp 4, xã Thạnh Phú cho biết, đợt cam này ông cùng người em trai trồng tổng số 100 công cam đang cho trái vụ đầu tiên, sản lượng ước đạt 400 tấn trái. Do đợt trái rơi vào thời gian giá thấp nên ông chấp nhận bán cho thương lái với giá 6.000đ/kg, tuy nhiên thương lái chỉ mua được 50% sản lượng cam thì bỏ không thu mua nữa nên hiện nay anh em ông còn khoảng trên dưới 200 tấn cam chưa bán được và đã chín vàng. Trong những ngày qua được Công ty mua giải cứu 5 tấn cam, tuy số lượng cam được giải cứu không nhiều so với sản lượng cam còn lại của gia đình nhưng cũng đã phần nào giúp ông Mộng thu hồi lại được một phần vốn đã đầu tư. Tính ra chi phí 1 công trồng cam khoảng 100 - 120 triệu đồng, nhưng với giá cam như vậy thu nhập vô khoảng hơn mười triệu nên bà con thất thoát nhiều lắm”.

Thương lái thu mua cam giải cứu cho nhà vườn ở xã Thạnh Phú

Trao đổi với chúng tôi bà Lai Ngọc Hương, ở thị trấn Cầu Kè đại diện mạnh thường quân thu mua cam hỗ trợ cho bà con chia sẽ: “Thấy giá cam rớt giá quá, bà con không bán được nên cô đăng lên Facebook bán giao hàng miễn phí trong thị trấn, mạnh thường quân thấy vậy nên kết nối với cô mua giải cứu cho bà con giá 4.000đ/kg để đem đi lên công ty tặng cho công nhân và sắp tới tôi cũng mong mạnh thường quân gần xa nhìn thấy nổi khổ bà con trồng cam ở huyện Cầu Kè và các huyện lân cận để giúp bà con mình vượt qua khó khăn này”.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân giá cam giảm sốc là do sản phẩm cam địa phương chỉ tiêu thụ trong nước, thời tiết năm nay lạnh hơn các năm nên nhu cầu sử dụng không nhiều, một phần nữa là do diện tích trồng cam trong những năm gần đây tăng ồ ạt, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Trong khi đó, việc sản xuất cam từ trước đến nay chủ yếu là tự phát, không theo quy hoạch, không theo định hướng nên khó kiểm soát về giá cả cũng như chất lượng sản phẩm. Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Cầu Kè cho biết: Hiện toàn huyện có trên 2.360ha diện tích trồng cam, trong này có trên 1.600ha diện tích đang cho trái. Nhưng thời điểm này vẫn còn không ít nông dân tiếp tục chuyển đổi cây trồng sang trồng cam, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nếu diện tích cam sành tiếp tục tăng trong thời gian tới, cung vượt cầu thì việc được mùa mất giá sẽ còn tiếp diễn. Do đó, các ngành chức năng khuyến cáo bà con nông dân không nên ồ ạt trồng mới, mở rộng diện tích, nên tìm hiểu, nắm bắt thông tin thị trường, phải liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, bấp bênh. Đồng thời, cần chăm sóc các vườn cam đã trồng, để nuôi dưỡng cho cây sinh trưởng, khi ổn định giá cả thì tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng, mẫu mã để tăng sức cạnh tranh.

Việc thu mua giải cứu cam sành cho bà con ở thời điểm này là một nghĩa cử cao đẹp, rất đáng phát huy, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế. Do đó, muốn giải quyết bài toán được mùa mất giá đòi hỏi các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần phải có những giải pháp căn cơ hơn, để việc sản xuất, tiêu thụ nông sản mang lại hiệu quả kinh tế, tránh tổn thất do mất giá, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người nông dân./.

Nguyễn Triệu - Trung tâm VHTT-TT huyện Cầu Kè

Giới thiệu doanh nghiệp
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 26
  • Trong tuần: 156
  • Tất cả: 352833