ÁP DỤNG KHOA HỌC - KỸ THUẬT TRONG TRỒNG MÀU: NHIỀU NÔNG DÂN ĐÃ ÁP DỤNG HIỆU QUẢ, NÂNG CAO THU NHẬP
Hiện nay, một bộ phận nông dân trồng màu trong tỉnh khi có điều kiện về vốn đầu tư, có điện lưới quốc gia… sẽ đầu tư hệ thống tưới nước phun, vừa giảm ngày công lao động, vừa giảm chi phí do ít tiêu thụ điện năng, hạn chế lãng phí nguồn tài nguyên nước; nhưng vẫn giữ vững năng suất và sản lượng màu, giúp nông dân có thu nhập cao hơn…

Gia đình bà Hằng tưới thêm vòi sen, khi trời có nhiệt độ cao

nhằm đảm bảo đủ độ ẩm của đất.

+ Bà Bùi Thị Tuyết Hằng, hội viên nông dân ấp Mù U, xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải: Mô hình trồng hành tím sử dụng hệ thống tưới phun.

Theo bà Bùi Thị Tuyết Hằng, hệ thống tưới phun có cấu tạo đơn giản và sử dụng vật liệu phổ biến, gồm những ống nhựa, mô-tơ điện để bơm nước qua đường ống. Sử dụng một ống chính, mắc kết nối với ống nhựa cứng nhỏ, ở khoảng cách thích hợp, cho ống dựng đứng, trên đầu các ống có gắn các béc tưới phun cho diện tích màu. Mặt ngang của mỗi liếp hành tím bình quân từ 02-2,5m, ở giữa 02 liếp, đào thành cái rảnh, nơi đặt ống tưới nằm dọc theo liếp hành, khi muốn tưới liếp nào, mở van ở tuyến đó, nước sẽ tự tưới. Tùy theo thời tiết, độ ẩm của đất, độ tuổi của hành mà người trồng sẽ đóng điện, mở van với thời gian tương ứng.

Bà Hằng có 6.000m2 đất giồng cát chuyên sản xuất màu. Vụ màu hiện tại, bà dành 2.000m2 để trồng hành tím phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán năm 2022. Hành tím có chu kỳ sinh trưởng khoảng 70 ngày (từ khi trồng đến khi thu hoạch). Liên quan đến tiết kiệm điện, nước nhằm giảm chi phí hiệu quả, đòi hỏi người trồng phải kinh nghiệm, cần xác định độ ẩm của đất, khả năng sinh trưởng, nhu cầu nước của hành tím theo từng độ tuổi: khi hành tím dưới 30 ngày tuổi, chỉ cần tưới 01 lần vào buổi chiều, sau thời gian đó, hành tím có nhu cầu nước nhiều hơn, nên tưới cả sáng lẫn chiều. Đây là những kinh nghiệm quan trọng, giúp người trồng hành có thể giảm thời gian tưới, giảm ngày công lao động, giảm chi phí điện năng và giảm lượng nước lãng phí, tránh gây úng đối với hành tím.

Bà Hằng thông tin thêm, với 2.000m2 hành tím, khi chưa đầu tư hệ thống ống (tổng số tiền đầu tư ống, mô-tưa gần 05 triệu đồng), suốt ngày bà phải ở ngoài rẩy màu, hết chăm sóc, rồi tưới. Sau khi đầu tư ống, bà còn thời gian làm việc khác; đặc biệt, giảm tiền điện khoảng 0,5 triệu đồng/vụ/2.000m2 so với trước đó, bà dùng ống nhựa mềm, kéo tưới từng liếp, vừa kéo dài thời gian mà lượng nước không đều. 

Hệ thống tưới nước phun hiện không những đang được nhân rộng trên những cánh đồng màu mà còn ở các vườn cây ăn trái, giúp nông dân, nhà vườn tiết kiệm điện, ít hao nước, giảm chi phí sản xuất.

* Ông Nguyễn Văn Vũ, hội viên nông dân ấp Bình Hội, xã Huyền Hội, huyện Càng Long: Với mô hình trồng màu rải vụ tránh dội chợ, cho hiệu quả kinh tế cao 

Mô hình trồng màu luân phiên vụ, đa dạng cây màu để tránh tình trạng dội chợ của ông Nguyễn Văn Vũ, hội viên nông dân ấp Bình Hội, xã Huyền Hội, huyện Càng Long đã cho hiệu quả kinh tế cao trong những năm qua. Ngoài các nguyên nhân để thành công: kinh nghiệm trong sản xuất, áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật…, thì ông Nguyễn Văn Vũ, đầu tư vốn, kéo điện lưới quốc gia, lắp đặt hệ thống tưới phun, vừa tiết kiệm điện, vừa tiết kiệm nước. Đặc biệt khi đủ các điều kiện, ông trồng màu theo phương án rải vụ, tránh dội chợ.

Ông Nguyễn Văn Vũ có 0,8ha đất chuyên sản xuất các loại màu. Nhằm tránh tình tạng dội chợ, giá thấp, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận, ông phân diện tích đất sản xuất ra nhiều liếp, bình quân 600m2/liếp. Để giảm chi phí tiền điện trong quá trình tưới, ông Vũ chia mỗi liếp chiều ngang ngắn (từ 08-10m), chủ yếu là chiều dài. Mục đích của hình thức này nhằm khi lắp đặt hệ thống ống tưới nước phun ở giữa liếp, thì giọt nước phun đều 02 bên để tưới cho cây màu, vừa giảm chi phí do ít tiêu thụ điện năng, hạn chế lãng phí nguồn nước; nhưng vẫn giữ vững năng suất và sản lượng màu.

Theo ông Nguyễn Văn Vũ, trước đây, gia đình có 03 lao động, nhưng chỉ trồng được 0,4ha màu, do phải tưới theo hình thức thủ công, vừa mất thời gian, vừa tốn công lao động. Từ khi ông đầu tư gần 06 triệu đồng, mắc điện kế riêng, chỉ cần 02 lao động, nhưng sản xuất được 0,8ha màu; ông Vũ áp dụng hình thức sản xuất rải vụ, đa dạng cây màu; chủ yếu các loại màu như: hành lá, hẹ, cải xà lách và cà chua…

Tùy theo thời tiết, độ ẩm của đất, độ tuổi của từng loại cây màu, mà ông sử dụng thời gian đóng điện, mở van tưới với thời gian tương ứng. Vụ màu hiện tại, ông Nguyễn Văn Vũ dành 03 liếp để trồng hành lá, 03 liếp trồng hẹ và 03 liếp trồng cải xà lách. Vụ hành lá hiện tại, nhờ được mùa, được giá, nên ông Nguyễn Văn Vũ có lợi nhuận rất cao; giá bình quân 25.000 đồng/kg, sản lượng mỗi liếp (600m2) hơn 1,5 tấn, tổng thụ nhập hơn 37 triệu đồng/liếp, lợi nhuận hơn 25 triệu đồng/liếp. 

HVND Nguyễn Văn Vũ chăm sóc hành lá, chuẩn bị thu hoạch.

TRƯỜNG NGUYÊN

Giới thiệu doanh nghiệp
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online:
  • Hôm nay:
  • Trong tuần: 151
  • Tất cả: 352833