CUA ĐINH - VẬT NUÔI CÓ GIÁ TRỊ KINH TẾ CAO
Cua đinh – vật nuôi cùng họ với ba ba, rùa nhưng có giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều và đang được bà con nông dân ở xã Bình Phú, huyện Càng Long thả nuôi, với mong muốn nâng cao thu nhập, mang về kinh tế khá cho gia đình. Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cũng đã hỗ trợ bà con tiếp cận nhiều nguồn vốn để phát triển vật nuôi này.

Cán bộ Hội thăm mô hình nuôi cua đinh của HVND Lê Văn Châu

Anh Trần Văn Minh ở ấp Nguyệt Lãng A sau 1 năm nuôi rắn ri voi trong bể xi măng không cho hiệu quả, anh Minh quyết định chuyển sang nuôi cua đinh và tận dụng những bể xi măng cũ để làm nơi thả nuôi. Ban đầu mới thả nuôi, kỹ thuật chưa biết nhiều, số lượng hao hụt cũng khá. Tuy nhiên, anh Minh vừa nuôi vừa học hỏi, từ những mối quan hệ nơi mua con giống, đến các nguồn thông tin trên mạng, dần dần anh nắm bắt được đặc tính, quy luật sinh trưởng và phát triển của con cua đinh, nên từ năm thứ 2, thứ 3 trở đi, anh Minh không còn lo ngại về khâu chăm sóc và quản lý dịch bệnh trên vật nuôi này.

Theo anh Minh, khi nuôi cua đinh, bể nuôi chỉ cần cao ráo, diện tích đảm bảo rộng rãi thoải mái để thuận tiện cho cua đinh sinh trưởng, đồng thời có nơi khô ráo cho cua đẻ trứng khi tới kỳ sinh sản. Bên cạnh đó, chỉ cần khâu phòng ngừa dịch bệnh tốt thì khâu chăm sóc đơn giản hơn rất nhiều. nên chú ý thức ăn và nguồn nước trong bể nuôi. Mỗi ngày cho cua đinh ăn 1 lần, thức ăn chủ yếu là ruột gà, ruột vịt và các loại cá vụn... Đối với nguồn nước, cần thường xuyên thay nước sạch, trung bình từ 3 đến 5 ngày thay nước 1 lần để tránh nguồn nước bị ô nhiễm do thức ăn thừa và chất thải. Trao đổi với chúng tôi, anh Minh cho biết thêm:

“Lúc nuôi cua con thì nguồn nước phải sạch, thứ 2 là thức ăn, đảm bảo vừa sạch vừa đủ. Nếu cho ăn dư thì nó sẽ tạo ra mầm bệnh. Một khi cua con mà nó bệnh thì mình chữa trị cũng khó, nên là ngừa bệnh hơn chữa bệnh. Nguồn thức ăn, đối với con cua con thì lúc đầu cho ăn tép, tép con, trấu, bàu sen, tép bạc. Sau 2,3 tháng, chuyển qua ăn cá, cá phi, làm, luộc sơ, đảm bảo. Qua đốt hao hụt là 6 tháng tuổi, tỷ lệ chống chọi mạnh hơn, hao hụt giảm.”

Để nhân giống cua đinh, anh Minh cho thả nuôi trong mỗi bể xi măng 4 con cua đinh cái và 1 con cua đinh đực. Tuỳ vào mùa mưa hay nắng mà anh Minh điều chỉnh lượng nước dưới bể nhiều hay ít, cho phù hợp. Phía trong bể nuôi, anh Minh xây một nơi khô ráo để cua đinh bò lên đẻ trứng vào mỗi kỳ sinh sản. Thời gian sinh sản của cua đinh bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 7 âm lịch hằng năm. Đối với cua đinh cái mới sinh sản những lần đầu, số lượng trứng thường ít, chỉ từ 7 đến 9 trứng cho một kỳ sinh sản, tuy nhiên tỷ lệ trống đạt thấp. Vào những kỳ sinh nở tiếp theo thì số lượng trứng nhiều hơn, thông thường từ 10 đến 20 trứng, chất lượng tốt hơn, tỷ lệ trống và ấp nở đạt trên 80%.

Hiện tại, ngoài nuôi cua thịt cung cấp cho thị trường, anh Minh còn tập trung sản xuất cua giống bán sỉ và lẻ. Mỗi con cua giống tuỳ theo kích cỡ sẽ có giá dao động từ 300 đến 350 ngàn đồng/con. Trung bình mỗi năm anh Minh bán ra thị trường 200 con cua đinh giống. Anh Minh cho biết, so với bán cua thịt thì sản xuất cua đinh giống bán ra thị trường sẽ cho thu nhập nhanh hơn.

“Khi bắt đầu nuôi cua con từ 5,6 phân đến bán ra phải là từ 2 năm đến 2 năm rưỡi. Sớm nữa thì bán cũng được nhưng trong lượng không như mong muốn. Khi con cua từ 2 năm rưỡi đến 3 năm thì dao động 4 đến 6,7 kg. Bây giờ đầu ra chỗ anh thì anh giao cho các quán. Những anh em có nhu cầu, anh tỉa đàn bán lẻ. Hiện nay có cơ sở thu mua số lượng lớn ở Bạc Liêu thu mua cua thịt toàn miền Nam, khi nào mình cần bán thì liên hệ. Chỗ của mình chủ yếu sản xuất cua giống, nhẹ công hơn cua thịt, tầm tháng 1 đến tháng 7 âm lịch”

Ngoài anh Minh thì một nông dân khác là ông Lê Văn Châu ở ấp Cây Cách cũng rất đam mê nghề nuôi cua đinh thương phẩm. Hiện tại nhà ông Châu có 3 bể nuôi, 1 bể ông Châu xây mới để thả nuôi 17 con cua đinh chuẩn bị cho giai đoạn sinh sản, 2 bể còn lại ông Châu tận dụng chuồng heo cũ để nuôi 17 con cua đinh thịt. Hiện tại, trong bể xi măng nhà ông có những con cua đinh đã hơn chục kí.

Đối với cua đinh, là loài tương đối chậm lớn. Nếu tính thời gian từ khi mới bắt cua giống nhỏ về nuôi đến khi người nuôi có thể bán được ra thị trường thì ít nhất phải từ 2 năm rưỡi đến 3 năm, trọng lượng trung bình có thể đạt từ 4 đến 6 kg/con tuỳ theo chế độ dinh dưỡng và kỹ thuật chăm sóc. Đây là trọng lượng đẹp nhất mà các nơi thu mua đều rất chuộng. Tuy nhiên, nếu chưa có nhu cầu xuất bán, người nuôi vẫn có thể tiếp tục nuôi thêm vài năm để tăng trọng lượng. Giá cả mỗi kg cua thương phẩm dao động từ 400 đến 450 ngàn đồng/kg. Ông Lê Văn Châu nói thêm:

“Theo tui thấy nuôi cua đinh dễ, chi phí cũng không hao tốn, nó ăn đồ bỏ ngoài chợ, ruột gà ruột vịt, cá vụn. Ngoài thức ăn, nguồn nước thì nước sông trong sạch, không để nước dơ đen quá. Theo tui thì 5 ngày thay nước 2 lần. Ban đầu bắt cua Bạc Liêu, về thì đổ cát vô nuôi, mô hình cũng thấy dễ nuôi. Thành ra bắt 1 số cua giống đem về làm cua bố. Đầu ra tui thấy rất phù hợp rất dễ. Mình nuôi thành đạt cua mẹ đẻ ra bán cua con 300 đến 350/con. Cua thịt từ 400 đến 450 ngàn đồng/kg. Mình bán cho vựa lớn người ta bao tiêu cho mình”

Hiện tại trên địa bàn xã Bình Phú đã thành lập tổ nuôi cua đinh với 15 thành viên. Các thành viên tổ hợp tác ngoài việc được đi tham quan học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm ở các tỉnh bạn, còn được tiếp cận với nguồn vốn khởi nghiệp do Ngân hàng chính sách uỷ thác cho Hội nông dân, nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội nông dân tỉnh hỗ trợ. Bà Lâm Thị Thanh – Chủ tịch Hội nông dân xã Bình Phú cho biết:

“Bắt đầu từ chỗ hộ nuôi cua đinh của anh Minh, anh Trần văn Minh Nguyệt Lãng A, từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân ban đầu đăng kí 5 hộ được đầu tư 100 triệu, Hội nông dân tỉnh đầu tư vốn khởi nghiệp đầu tư thêm 10 hộ nữa, thời điểm này hơn 1 năm. Một số chú có tâm huyết, các chú được tập huấn, tham quan ở Hậu Giang, Đồng Tháp. Hiện  tại các thành viên trong tổ cũng họp lệ hàng tháng, trao đổi kinh nghiệp thấy cua phát triển tốt.”

Trao đổi với bà con nông dân nuôi cua đinh, ông Phạm Quốc Việt - Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh, Trưởng Ban điều hành Qũy hỗ trợ Nông dân nhấn mạnh, hiện tại nguồn vốn hỗ trợ bà con nông dân có rất nhiều nguồn, chỉ cần nông dân có phương pháp, có cách làm cụ thể, tìm ra được mô hình mới, tiêu thụ được sản phẩm, có hiệu quả thì nguồn vốn không hạn chế. Hội Nông dân có nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân và nguồn ủy thác NHCSXH vốn đến ngày 30/5/2023 với số tiền 1.223 tỷ đồng trong đó vốn khởi nghiệp và vốn hộ nghèo, cận nghèo; vốn khởi nghiệp hiện nay được hỗ trợ lãi xuất giảm 2% còn 5,9%/năm. Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp Hội lập dự án đầu tư vốn, kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm để hỗ trợ nông dân an tâm sản xuất, trong quá trình thực hiện dự án Hội Nông dân luôn theo dõi giúp đỡ hội viên nông dân sản xuất nên các dự án đều đạt hiệu quả.  

 Đối với một số con vật nuôi khác như heo, gà, tôm, cá, nếu đến thời điểm xuất bán thì buộc người chăn nuôi phải bán dù thời điểm đó giá cả bên ngoài thị trường thấp, không đảm bảo lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Còn đối với con cua đinh, bà con không quá lo lắng về việc này. Vì sau thời gian chăn nuôi từ 2,5 đến 3 năm đầu sau khi bắt con giống, bà con mới có thể bán được. Và bắt đầu từ năm thứ 3 trở đi, nếu bà con vẫn chưa muốn bán thì có thể giữ cua đinh lại tiếp tục nuôi. Mỗi năm trọng lượng con cua đinh tăng dần lên. Đồng nghĩa với việc bà con bán nhiều tiền hơn.

Đây là mô hình kinh tế đầu tư lâu dài. Ít nhất phải mất 3 năm bà con mới dần dần có thu hoạch và thu nhập. Nên sẽ thích hợp cho những bà con có điều kiện và khả năng, quan trọng hơn là không bị áp lực nhiều về kinh tế, hay những bà con có mô hình kinh tế khác theo kiểu lấy ngắn nuôi dài cũng sẽ cho hiệu quả. Nói về vấn đề này, anh Trần Văn Minh chia sẻ:

“Đã nuôi con cua đinh phải chấp nhận đua đường dài, đầu tư lâu, mình phải có nguồn vốn dự phòng, sau 3 năm mới có thu nhập, làm phải kiên nhẫn, muốn nhanh cũng không được, đặc tính loài chậm lớn. Phải chấp nhận lâu như vậy, phải có hạch toán kinh tế.”

Ở một góc nhìn khác, mặc dù vẫn biết giá trị kinh tế mà con vật nuôi này mang lại, nhưng một số bà con nông dân chưa dám mạnh dạn thả nuôi vì thời gian thu hoạch lâu, chi phí đầu tư con giống cao ... Như anh Trần Văn Minh chia sẻ, nuôi cua đinh cần có đủ đam mê, kiên nhẫn mới có thể gắn bó lâu dài và phát triển được./.

Anh Lê Văn Châu chia sẻ kỹ thuật nuôi cua đinh

Trúc Huỳnh

 

Giới thiệu doanh nghiệp
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 26
  • Trong tuần: 156
  • Tất cả: 352833