“CHƠI HỤI” PHẢI TUÂN THỦ PHÁP LUẬT ĐỂ ĐẢM BẢO AN NINH TRẬT TỰ TẠI ĐỊA PHƯƠNG
Hụi là một trong những hình thức để huy động vốn, tương trợ trong Nhân dân được Nhà nước thừa nhận và cho phép hoạt động. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã dành riêng một điều để quy định về vấn đề này.

Theo quy định tại Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2015 “Họ, hụi, biêu, phường là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên”.

Quy định cụ thể hơn về hoạt động của hình thức này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/2/2019 của Chính phủ quy định về nguyên tắc tổ chức hụi như sau: Việc tổ chức hụi phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật Dân sự. Việc tổ chức hụi chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về hụi. Không được tổ chức hụi để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Đối với tỉnh Trà Vinh, thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành có liên quan nên công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt nhiều kết quả quan trọng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật cơ bản được kiểm soát góp phần ổn định tình hình tại địa phương.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn toàn tỉnh nổi lên một số loại tội phạm và vi phạm pháp luật trong đó có lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến hụi, cụ thể như: tình hình “vỡ hụi” xảy ra nhiều nơi gây bức xúc trong Nhân dân nhất là ở địa bàn nông thôn (xảy ra 02 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến “hụi”, thiệt hại tài sản hơn 1 tỷ đồng). Hiện toàn tỉnh có 996 chủ hụi, có 4.613 dây hụi, với tổng số tiền góp hụi khoảng 307,7 tỷ đồng, phần lớn các dây hụi hoạt động không thông báo với UBND cấp xã theo quy định, nên khi vỡ hụi rất khó điều tra, xử lý; tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự.

Như vậy, khi người dân tham gia chơi “hụi” nên nắm được các quy định của pháp luật, cụ thể như:  Về hình thức thỏa thuận dây hụi, Điều 7 Nghị định số 19/NĐ-CP quy định: Thỏa thuận về dây hụi phải được được thể hiện bằng văn bản và được công chứng, chứng thực nếu hụi viên yêu cầu.

Về nội dung của văn bản thỏa thuận dây hụi, Điều 8 Nghị định số 19/NĐ-CP quy định phải đảm bảo những nội dung sau: Họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu; ngày, tháng, năm sinh; nơi cư trú của chủ hụi (nơi chủ hụi thường xuyên sinh sống hoặc nơi đang sinh sống nếu không xác định được nơi thường xuyên sinh sống); số lượng thành viên, họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của từng thành viên; phần hụi; thời gian diễn ra dây hụi, kỳ mở hụi; thể thức góp hụi, lĩnh hụi.

Ngoài các nội dung được quy định trên, văn bản thỏa thuận về dây hụi có thể có những nội dung như sau: Mức hưởng hoa hồng của chủ hụi trong hụi hưởng hoa hồng. Lãi suất trong hụi có lãi. Trách nhiệm ký quỹ hoặc biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác của chủ hụi. Việc chuyển giao phần hụi. Gia nhập, rút khỏi, chấm dứt dây hụi. Trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ. Nội dung khác theo thỏa thuận. Mặt khác, Luật cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của thành viên, chủ hụi. Luật quy định việc ghi chép sổ hụi, về giấy biên nhận, thông báo về việc tổ chức dây hụi để góp phần ngăn chăn việc làm “hụi ma” nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Điều 12 Nghị định số 19/NĐ-CP quy định về sổ hụi như sau: Chủ hụi phải lập và giữ sổ hụi, trừ trường hợp có thỏa thuận về việc một thành viên lập và giữ sổ hụi. Trường hợp dây hụi không có chủ hụi thì các thành viên thỏa thuận giao cho một thành viên lập và giữ sổ hụi. Sổ hụi có các nội dung như sau: Các nội dung của thỏa thuận về dây hụi quy định tại Khoản 1 Điều 8 của Nghị định này. Ngày góp phần hụi, số tiền đã góp hụi của từng thành viên. Ngày lĩnh hụi, số tiền đã lĩnh hụi của thành viên lĩnh hụi. Chữ ký hoặc điểm chỉ của thành viên khi góp hụi và lĩnh hụi. Các nội dung khác liên quan đến hoạt động của dây hụi.

Luật quy định, khi góp hụi, lĩnh hụi, nhận lãi, trả lãi hoặc thực hiện giao dịch khác có liên quan thì thành viên có quyền yêu cầu chủ hụi hoặc người lập và giữ sổ hụi cấp giấy biên nhận về việc đó. Ngoài ra, Luật cũng quy định việc thông báo về việc tổ chức dây hụi (Điều 14 Nghị định số 19/NĐ-CP). Theo đó, chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi thuộc một trong các trường hợp sau: Tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên. Tổ chức từ hai dây hụi trở lên.

Về nội dung văn bản thông báo, phải đảm bảo các yếu tố sau: Họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của chủ hụi. Thời gian bắt đầu và kết thúc dây hụi. Tổng giá trị các phần hụi tại kỳ mở hụi. Tổng số thành viên.

Trong trường hợp có thay đổi về dây hụi đã thông báo thì chủ hụi phải thông báo bổ sung bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc thay đổi đó. Luật quy định, nếu chủ hụi không thực hiện nghĩa vụ thông báo việc tổ chức dây hụi cho UBND cấp xã thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật./.

 QUỐC PHƯƠNG

Giới thiệu doanh nghiệp
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 42
  • Trong tuần: 427
  • Tất cả: 352649