25/09/2023
đổi mới cách làm nâng cao sản xuất
Đó
là nông dân Thạch Rê, ấp Vàm Buôn, xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú là một trong
những nông dân khai thác tiềm năng, thế mạnh đất canh tác của gia đình thực
hiện có hiệu quả chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện kinh
tế gia đình.
Nông dân Thạch Rê.
Điều đáng nói
những năm qua ông Rê luôn mạnh dạn thay đổi hình thức canh tác, ứng dụng những
cái mới, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi, góp phần mang
lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Ông Rê cho biết: xuất thân từ gia đình
nông dân, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào nghề làm lúa.
Nhờ cần cù chịu khó và chí thú làm ăn, tiết kiệm chi tiêu, tích cóp mua thêm
ruộng đất để mở rộng diện tích canh tác. Để gia đình vươn lên khá giả, ông thường
xuyên thay đổi cách làm từng bước phá thế độc canh cây lúa, kết hợp đa dạng các
loại hình sản xuất như trồng lúa, trồng màu, chăn nuôi bò, heo… phát triển mô
hình kinh tế hiệu quả và bền vững. Nhờ thực hiện mô hình này kinh tế ổn định,
đời sống nâng cao, có điều kiện lo cho các con học hành và xây dựng nhà cửa
kiên cố, mua sắm đầy đủ các thiết bị sinh hoạt trong gia đình.
Ông Rê cho
biết thêm: hiện nay ông chia đất cho các con và chỉ canh tác 1,5ha kết hợp với
nuôi bò sinh sản mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Với diện tích
trên, hàng năm ông sản xuất 03 vụ/năm chủ yếu các giống lúa chất lượng cao
OM4900, OM5451 áp dụng mô hình “1 phải” là phải sử dụng giống lúa xác nhận và
“5 giảm” là giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm
lượng phân đạm, giảm lượng nước, giảm thất thoát sau thu hoạch, năng suất bình
quân đạt từ 6,2 - 6,5 tấn/ha, lợi nhuận 20 triệu đồng/ha. Mặc dù 02 năm gần
đây, giá bò biến động không ngừng nhưng gia đình ông vẫn duy trì nghề nuôi bò
với tổng đàn 06 con bò cái. Dù tận dụng tối đa nguồn rơm rạ, cỏ trồng xung
quanh nhà nhưng vẫn không đảm bảo lương thực phục vụ đàn bò nuôi, do vào mùa
mưa, việc thu rơm rạ dự trữ khó khăn nên ông tranh thủ vụ đông - xuân, hè - thu
ông mua thêm rơm rạ dự trữ để phục vụ bò nuôi trong suốt mùa mưa. Vì thế chi
phí chăn nuôi tăng lên cao, trong khi giá bò không ổn định, người nuôi giảm lợi
nhuận.
Theo ông Rê,
nuôi bò sinh sản chi phí đầu tư thấp hơn nuôi bò vỗ béo, chỉ đầu tư thức ăn
công nghiệp và dinh dưỡng cho bò trong giai đoạn sinh sản. Thời kỳ bò có chửa,
ngoài nguồn rơm rạ, gia đình ông đầu tư thêm thức ăn công nghiệp, cám, gạo để
bổ sung dinh dưỡng cho bò cái ở những tháng gần sinh sản. Sau khi bò sinh sản,
phần nhiều đầu tư thức ăn dinh dưỡng cho bò mẹ và bò con trong 03 tháng đầu.
Những tháng tiếp theo nguồn phụ phẩm chủ yếu cỏ và rơm rạ để vỗ béo bê con từ
04 - 05 tháng xuất bán. Ngoài ra, ông chuyển 0,3ha đất lúa sang trồng cỏ nuôi
bò để giảm chi phí trong chăn nuôi, tận dụng kênh mương gần khu vực trồng lúa
trồng cỏ tăng thêm nguồn phụ phẩm cho bò nuôi. Nhờ áp dụng hình thức lấy công
làm lời nên bình quân hàng năm ông xuất bán từ 02 - 03 con, thu nhập 40 - 50
triệu đồng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Rê tích cực tham
gia các phong trào, hoạt động của địa phương, nhất là phong trào XDNTM và công
tác an sinh xã hội và đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm
liền. Bên cạnh đó, ông Rê hướng dẫn phương pháp canh tác giống lúa mới chất
lượng cao, kỹ thuật nuôi bò và phòng ngừa dịch bệnh cho các con và người dân
xung quanh để cùng nhau vươn lên trong cuộc sống.
Bài,
ảnh: Ngọc Hân