Vết bệnh đốm nâu trên thân và trái thanh long
Bệnh đốm nâu còn gọi là bệnh
đốm trắng trên thanh long là một loại bệnh khó quản lý. Việc thâm canh quá mức
cũng như chưa có biện pháp quản lý dịch hại càng khiến cho bệnh trở nên khó kiểm
soát. Hiện bệnh đốm nâu được xem là rất nguy hại cho cây thanh long, bệnh
có thể gây mất mùa, trái khó xuất khẩu, làm tăng chi phí trong sản xuất.
1. Nguyên nhân gây bệnh
- Nguyên nhân gây bệnh do nấm
Neoscytalidium dimidiatum gây ra
- Bào tử nấm gây
nẩy mầm trên bề mặt tiếp xúc rồi xâm nhiễm vào trong mô gây hoại tử, bệnh gây hại
cả trên cành và quả thanh long.
2. Triệu chứng
Trên cành: Khi mới xuất hiện, triệu chứng
ban đầu là các vết lõm màu trắng sau đó vết bệnh nổi lên thành những đốm tròn
nâu như mắt cua. Thời tiết thích hợp vết bệnh liên kết lại với nhau làm cành
thanh long bị sần sùi, gây thối khô thành mảng lớn.
Trên quả: triệu chứng gây hại tương tự như trên cành làm
cho quả sần sùi khô từng mảng, bệnh nặng có thể gây nám (rám) cả quả làm giảm
giá trị thương phẩm nghiêm trọng.
3. Điều kiện phát sinh
Bệnh thường phát sinh, phát triển
mạnh trong điều kiện thời tiết ẩm độ không khí cao, nhất là vào mùa mưa từ
tháng 5 đến tháng 11, bệnh phát sinh gây hại nặng ở những vườn rậm rạp, bón nhiều
phân đạm.
Bệnh lây lan chủ yếu qua hom
giống, cành và thanh long bị bệnh phát tán bào tử theo gió và nước.
4. Biện pháp quản lý, phòng trừ bệnh đốm nâu
Để quản lý bệnh đốm nâu hiệu quả phải áp dụng
các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).
- Biện pháp canh tác:
- Không để vườn quá rậm rạp tạo nơi tích luỹ
bào tử nấm bệnh và làm tăng ẩm độ trong vườn.
- Cắt bỏ những cành, quả bị bệnh, không bỏ lại
trong vườn hay vứt bỏ xuống nguồn nước, thu gom đem ra khỏi vườn tiêu hủy.
- Trồng mật độ thích hợp và
tạo tán đảm bảo thông thoáng
- Sử dụng hom giống sạch bệnh,
tuyệt đối không sử dụng cành bị bệnh
để trồng
- Bón phân cân đối, tránh bón thừa phân đạm,
tăng cường bón hữu cơ
bổ sung thêm phân có chứa canxi, silic để
tăng sức đề kháng cho cây.
- Sử dụng nấm Tricoderma trộn với phân hữu cơ
bón bón vào đất kiểm soát nguồn bệnh trong đất.
- Quản lý tán:
- Cắt bỏ tất cả những cành
không có khả năng cho trái, vì có quá nhiều cành sẽ rất khó để thấy các vết
bệnh; Hạn chế để tược non trong mùa mưa nhằm giảm thiểu nguy cơ nấm xâm nhiễm.
- Biện pháp hoá học:
* Trong mùa mưa:
- Vườn không
có vết bệnh, không có tược non thì không cần phun thuốc.
- Vườn không
có vết bệnh, để tược non và vườn bên cạnh bị bệnh thì cần phun thuốc
trừ nấm tiếp xúc trước mưa bằng thuốc có hoạt chất Mancozeb hoặc Propineb.
- Nếu vườn có
vết bệnh cũ, tược non có vết bệnh cần phun thuốc trừ nấm đặc trị bằng
thuốc có hoạt chất difenoconazole và azoxystrobin 10 -14 ngày/ lần. Vì thuốc trừ
nấm tiếp xúc có chứa hoạt chất mancozeb hoặc
propineb sẽ không kiểm soát được bệnh đốm nâu trong mùa mưa.
* Trong mùa khô:
- Nếu vườn không có vết bệnh thì
không cần phun thuốc
- Nếu vườn có vết bệnh cũ,
tược non không có triệu chứng bệnh và dự
báo sẽ mưa thì phun thuốc trừ nấm tiếp
xúc có hoạt chất như Mancozeb hoặc Propineb trước mưa.
- Nếu chưa phun thuốc trừ nấm tiếp xúc trước
mưa, cần phải phun thuốc trừ nấm đặc trị ngay sau mưa hoặc sớm nhất có thể bằng
thuốc có hoạt chất difenoconazole và azoxystrobin (Amistar-Top).
Lưu ý: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải
tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” và đảm bảo thời gian cách ly theo khuyến cáo
của nhà sản xuất được ghi trên bao bì.
Hà Tuấn-TTKN